Tình huống pháp lý vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người đi đường

Linh Thùy 10/02/2023 08:59

Nhiều tình huống pháp lý đặt ra trong vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người phụ nữ đi đường ở Hà Nội.

Công an xã Hải Bối (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã nhận được đơn trình báo của gia đình chị chị Đ.T.T. (SN 1993, quê ở Thái Bình, hiện đang ở xã Hải Bối) về việc bị trâu húc trên đường khiến chị này phải nhập viện trong tình trạng tổn thương các cơ quan trong ổ bụng/vỡ gan.

Cụ thể, vào sáng 19/1 (tức 28 Tết) khi đang đi mua đồ ăn sáng về trên đường đê, đoạn gần ngã ba giao giữa thôn Cổ Điển (xã Hải Bối), chị T. bất ngờ thấy một con trâu từ lò mổ gần đó lao tới.

Theo chị T. con trâu đó lao vào một người phụ nữ đi phía trước nhưng bị trượt nên chuyển hướng sang húc thẳng trực diện vào chị và xe máy hất tung chị lên không trung rồi văng xuống triền đê.

Sau đó, chị T. nằm bất tỉnh dưới đê, được người dân địa phương gọi người nhà đưa tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cấp cứu. Trong thời gian chị nằm viện gia đình chủ lò mổ trâu đến thăm hỏi, nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày, hai bên chưa thoả thuận được việc đền bù tổn thất sức khoẻ cho chị T.

Tình huống pháp lý vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người đi đường - Ảnh 2.

Khoảnh khắc trâu "điên" tấn công, húc người phụ nữ văng lên không trung.

Trao đổi về vấn đề pháp lý của vụ việc trên, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, trong trường hợp nạn nhân bị trâu húc và chủ sở hữu của con trâu không thoả thuận được về việc bồi thường thì nạn nhân có thể khởi kiện ra TAND cấp huyện nơi chủ trâu cư trú yêu cầu giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo luật sư Nghĩa, về trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng sẽ xem xét, đánh giá các yếu tố chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể của sự việc. Nếu đủ căn cứ, cộng với việc gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu, chủ gia súc hoặc người chiếm hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội " Vô ý gây thương tích và tổn hại sức khoẻ người khác" (Điều 138) hoặc tội " Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295)" thuộc Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tình huống pháp lý vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người đi đường - Ảnh 3.

luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X).

Về mức xử phạt, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 144/2021/NĐ-CP) quy định, để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật Pháp Trị) phân tích thêm: Để xem xét trách nhiệm hình sự của chủ trâu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh sẽ phải thu thập chứng cứ đánh giá phân tích đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Theo đó tập trung làm rõ yếu tố lỗi của chủ lò mổ, nơi chịu trách nhiệm quản lý con trâu húc người gây thương tích.

Tình huống pháp lý vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người đi đường - Ảnh 4.

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật Pháp Trị).

Nếu xác định người chủ này đã thực hiện đúng, đủ các biện pháp nuôi, nhốt, giam giữ vật nuôi nhưng vẫn xảy ra sự việc con trâu thoát ra ngoài gây thương tích cho người đi đường thì đây là sự kiện bất ngờ được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

Theo đó: "Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự". Trường hợp này chủ trâu, chủ lò mổ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu chủ lò mổ có lỗi trong việc quản lý, giam giữ con trâu thì có thể xác định chủ trâu có lỗi. Cộng với thực hiện giám định với bị hại để xác định tỷ lệ thương tích của người bị hại để có căn cứ xử lý về Vô ý gây thương tích (Điều 138) hoặc Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295) thuộc Bộ luật Hình sự 2015.

Tình huống pháp lý vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người đi đường - Ảnh 5.

Chị T được chẩn đoán tổn thương các cơ quan trong ổ bụng/Vỡ gan.

Tuy nhiên theo Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, trên thực tế sự việc trâu húc chết người, gây thương tích cho người khác đã từng xảy ra nhưng đến nay chưa có vụ việc nào bị xem xét xử lý hình sự.

Vì vậy, trong vụ việc trên, theo Điều 602, Bộ luật dân sự năm 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

"Chủ con trâu sẽ phải bồi thường thiệt hại cho chị Đ.T.T. do sức khoẻ bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự. Ngoài ra, chủ con trâu còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người phụ nữ này gánh chịu", luật sư Quách Thành Lực chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tình huống pháp lý vụ trâu ‘điên’ húc vỡ gan người đi đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO