Với 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tuyến giáp, bác sĩ Mai Văn Sâm đã dày công viết nên cuốn sách “Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp - Phương pháp gỡ cá khỏi lưới”, với nhiều thông tin hữu ích trong việc nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo cũng như thực hành lâm sàng.
Những ngày này, Triển lãm sách Khoa học và Công nghệ 2024 với chủ đề: "Tri thức và Công nghệ: Hành trình Đổi mới sáng tạo" đang thu hút sự chú ý của độc giả yêu sách và sinh viên (triển lãm đang diễn ra tại 24 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm sách được tổ chức nhằm tôn vinh những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ của đất nước và thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng. Đồng thời mang đến cho bạn đọc cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu. Trong số đó, có hai cuốn sách đặc biệt của buổi triển lãm là "Từ điển Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" và "Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp", ngoài triển lãm còn được chọn để tọa đàm, giúp độc giả có cơ hội giao lưu với tác giả.
Tại buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp - Phương pháp gỡ cá khỏi lưới" của tác giả Ths.Bs Mai Văn Sâm thu hút khá đông sự tham gia của các bác sĩ, sinh viên trường Y. Với 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tuyến giáp, cuốn sách "Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp - Phương pháp gỡ cá khỏi lưới" của tác giả, bác sĩ Mai Văn Sâm đã cung cấp cho bạn đọc có cái nhìn tổng quan về sinh lý tuyến giáp, giải phẫu tuyến giáp, những chỉ định phẫu thuật, tổng hợp những tai biến, biến chứng sau phẫu thuật, cách xử trí và kỹ thuật mổ vô cùng giá trị, đặc biệt với những bác sĩ trẻ mới bước vào nghề.
Cuốn sách "Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp" gồm 7 chương, có độ dày cỡ 200 trang, do NXB Khoa học và Kỹ thuật in ấn hành, gồm: Một góc nhìn về ngành phẫu thuật tuyến giáp ở Việt Nam; Sinh lý tuyến giáp; Giải phẫu tuyến giáp và vùng đầu mặt cổ liên quan đến phẫu thuật tuyến giáp; Các xét nghiệm trước phẫu thuật; Chỉ định phẫu thuật các bệnh lý tuyến giáp; Kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp của bác sĩ Mai Văn Sâm; Những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật tuyến giáp và cách xử trí.
Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về quá trình hình thành cuốn sách, bác sĩ Mai Văn Sâm nói: "Trước đây, phẫu thuật tuyến giáp có tỷ lệ tai biến rất cao. Vì động tác, dụng cụ phẫu thuật được ví như của thợ sửa xe máy mà mang đi sửa đồng hồ vậy.
Phẫu thuật tuyến giáp đòi hỏi những động tác tinh tế, tinh vi vì bộ phận này liên quan đến dây thần kinh để nói và tuyến cận giáp để điều hòa canxi. Vì thế nên tôi mới dùng thuật ngữ là "phương pháp gỡ cá ra khỏi lưới".
Bác sĩ Mai Văn Sâm đặt câu hỏi: "Khi quăng lưới, gỡ con cá ra thì cái lưới đó dùng nhiều lần hay 1 lần? Đương nhiên phải dùng nhiều lần. Cái lưới đó chính là các dây thần kinh, là tuyến cận giáp, còn phần bỏ đi chính là con cá. Vậy mấu chốt phải tìm cách gỡ cá ra khỏi lưới chứ không phải cắt lưới ra để lấy cá. Người bệnh sống khỏe, không tai biến sau phẫu thuật là nhờ tấm lưới ấy được giữ gìn, không làm hỏng, làm rách thì tỉ lệ tai biến sau mổ mới ít.
Từ trăn trở này khiến bác sĩ Mai Văn Sâm từ khi còn công tác tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã luôn trăn trở, tìm tòi để thay đổi tư duy và cải tiến phương pháp phẫu thuật. "Áp lực không được để xảy ra tai biến thôi thúc tôi phải thay đổi những kỹ thuật đang có", bác sĩ Mai Văn Sâm nhấn mạnh.
Anh chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: "Bây giờ phần đa là mổ gây mê nhưng có một thời gian dài tôi mổ bằng phương pháp gây tê. Mổ trên bệnh nhân tỉnh cho chúng tôi một kinh nghiệm quý báu vô cùng mà tôi đảm bảo các kỹ thuật viên bây giờ không có được kinh nghiệm đó nữa. Nhờ bệnh nhân vẫn tỉnh nên nếu đau là họ kêu lên. Vì thế mà cho phản hồi ngược lại với bác sĩ để biết cần phải điều chỉnh động tác nhẹ nhàng hơn. Cường độ dao điện phải hạ hơn so với mổ gây mê và nhận thấy nó mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với phương pháp trước đó mà tôi được học và sử dụng. Nếu đọc quyển sách này các bạn sẽ không cần phải phí 5-10 năm hoặc không cần phải mổ trên bệnh nhân gây tê mà bạn đã có được kinh nghiệm của 20 năm được tôi rút ra, chỉ bằng đọc vài trang sách.
Ngoài ra, ưu điểm nữa của phương pháp này là kỹ thuật rất đơn giản, dễ thực hiện, dụng cụ phẫu thuật rẻ tiền… Như bộ tôi đang dùng chắc chỉ 2 triệu đồng mà phẫu thuật mấy nghìn ca rồi, không cần dùng dao điện đắt tiền làm chi phí phẫu thuật cao, giảm gánh nặng cho người bệnh và ngành y tế".
Dù là phương pháp mang dấu ấn riêng nhưng bác sĩ Mai Văn Sâm không giấu nghề. Anh tâm niệm, cho đi thì còn mãi. "Ai muốn học, muốn chia sẻ, tôi đều rất sẵn lòng mà không hề lấy bất kỳ chi phí nào, thậm chí còn hỗ trợ nếu các bạn khó khăn. Đến lúc các bạn đạt được tầm vóc như của mình thì mình già rồi, còn mổ được nữa đâu. Vậy thì giữ riêng cho mình làm gì? Và biết đâu các bạn trẻ sẽ tìm ra nhược điểm trong phương pháp mổ của tôi để cải tiến, giúp ích hơn cho người bệnh".
Tại buổi tọa đàm, nói về cuốn sách cũng như phương pháp phẫu thuật được chia sẻ trong cuốn sách, BSCKII Nguyễn Văn Nghĩa – Trưởng khoa Gây mê hồi sức BV Đa khoa An Việt nhận xét: "Tôi có 50 năm làm gây mê hồi sức và rất may mắn khi nghỉ hưu được làm việc với bác sĩ Mai Văn Sâm. Chứng kiến từ những ngày đầu đến giờ, tôi chưa gặp trường hợp bị tai biến, khàn tiếng, nhiễm trùng sau mổ và đặc biệt bệnh nhân không cần dùng kháng sinh. Riêng việc không phải dùng kháng sinh đã làm lợi cho bệnh nhân rồi. Ngoài ra còn giảm công chăm sóc của gia đình vì thời gian hồi phục nhanh".
BSCKII Lê Duy Hưng – BS điều trị khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 chia sẻ: "Nội dung cuốn sách có tính khoa học, có kế thừa và sáng tạo riêng của tác giả. Nội dung rất hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo cũng như thực hành lâm sàng. Kiến thức trong sách được trình bày khoa học, logic, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, phù hợp với thực tiễn và cập nhật những tri thức mới được kiểm chứng và công nhận.
Về kỹ thuật phẫu thuật: BS Mai Văn Sâm có phương pháp phẫu thuật khoa học, mang tính kế thừa và có tính sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Sự sáng tạo thể hiện ở đường mổ… Đặc biệt nhất là sử dụng dao mổ với cường độ hợp lý đã giúp hạn chế sự xâm nhập, tránh tổn thương tổ chức lành. Cuốn sách sẽ rất hữu ích cho cách phẫu thuật viên chuyên về tuyến giáp cũng như các bác sĩ hoạt động khám chữa bệnh lý tuyến giáp".
Cũng tại buổi tọa đàm, bên cạnh những chia sẻ về cuốn sách, bác sĩ Mai Văn Sâm còn đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích về y đức, về đam mê và nuôi dưỡng lửa nghề dành cho các bạn sinh viên trường Y. Anh cũng nhấn mạnh để thế hệ trẻ ngày nay hãy tự tin với lựa chọn của bản thân cũng như có quyền tự hào với sự tiến bộ của y học Việt Nam. "Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp khá cao so với thế giới, vì thế, thay vì "sính ngoại", các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự hào với kinh nghiệm và kỹ thuật mổ tuyến giáp của y học Việt Nam đang được thế giới phải học hỏi".
Dù đã có hai cuốn sách về tuyến giáp được xuất bản nhưng bác sĩ Mai Văn Sâm khẳng định, anh viết sách không phải để… bán sách, mà lớn hơn là để sinh viên, các bác sĩ đang làm việc trong lĩnh vực nội tiết hiểu thêm những kinh nghiệm và kỹ thuật mổ tuyến giáp được anh đúc rút trong 20 năm, từ đó giúp ích cho người bệnh nhiều hơn. "Nếu không thực sự tâm huyết với nghề và với thế hệ trẻ thì sẽ rất khó để viết nên cuốn sách này. Bởi công việc của bác sĩ Mai Văn Sâm gần như kín mít với lịch cộng tác ở các bệnh viện lớn từ sáng đến tối. Chưa kể, chi phí thực hiện cuốn sách cũng khá tốn kém và mất nhiều thời gian. Đổi lại, cuốn sách sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng đến các bạn trẻ về sự đam mê, trách nhiệm và sự tận tụy cống hiến", bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ.