Bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” của tác giả Thomas Lindsay Jackson được biên dịch và xuất bản nhân dịp Ngày An toàn người bệnh thế giới với mong muốn góp phần xây dựng tủ sách về quản lý y tế, tạo nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý y tế cũng như thúc đẩy văn hóa an toàn người bệnh tại Việt Nam.
Nhằm giúp các nhà quản lý y tế, quản trị bệnh viện cùng các cán bộ, nhân viên y tế có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện an toàn người bệnh, bảo đảm việc thu chi đáp ứng khả năng chi trả của bệnh nhân, Viện Đánh giá chất lượng và Phát triển nhân lực Y tế (HARDI) và thương hiệu sách Y học MedInsights của Alpha Books vừa tổ chức ra mắt và tọa đàm về bộ sách "Bộ công cụ tinh gọn trong y tế".
Lễ ra mắt và tọa đàm về bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” được tổ chức tại phòng hội thảo Read Station (phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), có sự tham gia của các diễn giả: TS.BS Lý Quốc Trung - Phó Giám đốc Bệnh viên Sản nhi Sóc Trăng, TS.BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, ThS Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hiệp hộ Điều dưỡng Việt Nam và đông đảo đại diện các bệnh viện ở trung ương và Hà Nội.
Tham gia buổi trao đổi có Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi và Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa.
Tại lễ ra mắt sách, các diễn giả cho biết ngành y tế các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức như: quá tải bệnh viện khiến thời gian chờ đợi khám bệnh lâu, những sai sót y khoa có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân hay quy trình chưa chuẩn hóa khiến các dịch vụ còn thiếu sự đồng đều... Điều này khiến các nhà quản lý y tế luôn phải đau đầu để đi tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện an toàn người bệnh đồng thời vừa phải đảm bảo thu chi, vừa phải đáp ứng khả năng chi trả của bệnh nhân.
Từ công việc thực tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường khẳng định việc ứng dụng công cụ tinh gọn trong y tế ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ giảm thời gian chờ đợi đăng ký khám của người bệnh, còn tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh nhân khi vào bệnh viện đa khoa Đức Giang sẽ không còn cảm giác mệt mỏi vì bệnh viện đã ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trước đây mỗi lần đến khám, bệnh nhân đăng ký khám tại bộ phận tiếp nhận, sau khi khám xong lại phải xếp hàng chờ đợi lấy thuốc mới ra về. Hiện nay, bệnh viện đã thay đổi quy trình khám chữa bệnh. Theo đó “thuốc đợi bệnh nhân” chứ không để “bệnh nhân chờ thuốc”. Khi bệnh nhân khám xong là đơn thuốc được bác sĩ kê đã cập nhật trên hệ thống. Bệnh nhân đến quầy thuốc đọc tên là lấy thuốc ra về. "Đặc biệt, hiện 97% bệnh nhân tại Bệnh viện Đức Giang không dùng tiền mặt và đều đã đăng ký ít nhất một lần khám tại bệnh viện nên rất thuận lợi trong việc đăng ký khai hồ sơ và thanh quyết toán" - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, PGĐ Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng Lý Quốc Trung nhấn mạnh: Trong công tác vận hành chăm sóc sức khỏe, quy trình chuẩn là một yếu tố quan trọng trong việc xóa bỏ lãng phí quy trình, đảm bảo an toàn người bệnh, việc xây dựng quy trình chuẩn dựa trên thực tiễn để áp dụng được.
Diễn giả Nguyễn Bích Lưu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng cho rằng, các bệnh viện cần xây dựng quy trình chuẩn, trong đó quy trình kiểm tra, giám sát cần quan tâm sát sao, từ đó phát hiện sớm để khắc phục, tránh xảy ra sai sót. Để phòng tránh lỗi, bà Lưu cho rằng cần bổ sung 4 yếu tố: kiểm tra tại nguồn; kiểm tra 100%; khi phát hiện ra sai sót thì phải phản hồi ngay; sử dụng các giao thức hệ thống phòng, tránh lỗi.
Bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” của tác giả Thomas Lindsay Jackson được biên dịch và xuất bản nhân dịp Ngày An toàn người bệnh thế giới với mong muốn góp phần xây dựng tủ sách về quản lý y tế, tạo nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý y tế cũng như thúc đẩy văn hóa an toàn người bệnh tại Việt Nam.
Ở góc nhìn nhà quản lý, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ: Trong bối cảnh các bệnh viện từng bước chuyển dần sang cơ chế tự chủ, các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ để tạo được sự tin tưởng của người bệnh đang trở thành vấn đề sống còn của các bệnh viện. Bằng cách áp dụng các công cụ tinh gọn như xây dựng quy trình chuẩn, Kaizen, lập sơ đồ chuỗi giá trị phòng tránh lỗi và phương pháp JIT các cơ sở y tế sẽ đạt được nhiều chuyển biến tích cực ở nhiều khía cạnh giảm thiểu sai sót y khoa; nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường sự hài lòng người bệnh; giảm chi phí.
Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi cho rằng: Nội dung súc tích với tính thực tiễn và ứng dụng cao, tập trung vào các vấn đề các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt. Các phương pháp đã được kiểm nghiệm và áp dụng thành công tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trên thế giới.
Bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” của tác giả Thomas Lindsay Jackson được biên dịch và xuất bản nhân dịp Ngày An toàn người bệnh thế giới với mong muốn góp phần xây dựng tủ sách về quản lý y tế, tạo nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý y tế cũng như thúc đẩy văn hóa an toàn người bệnh tại Việt Nam.
Tác giả Thomas Lindsay Jackson từng được tặng giải Shingo- Hoshin Kanri for the Lean Enterprise (2007), là một trong những nhà quản trị ứng dụng thành công mô hình Tinh gọn từ hệ thống sản xuất của Toyota vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chỉ với khởi đầu từ một cơ sở y tế nhỏ ở Alaska vào năm 2005, bắt đầu từ năm 2010, ông đã cho ra đời hàng loạt ấn phẩm liên quan đến ứng dụng Tinh gọn trong y tế, trong đó nổi bật là bộ sách “Bộ Công cụ Tinh gọn trong y tế”, bao gồm các cuốn: “Quy trình chuẩn”, “Kaizen”, “Lập sơ đồ chuỗi giá trị lâm sàng”, “Phòng chống lỗi” và “Phương pháp vừa đúng lúc”.
Với hơn 20 năm làm việc và có kinh nghiệm trong lĩnh vực cải tiến quy trình, ông Thomas Lindsay Jackson và các cộng sự ông đã đúc rút và lần lượt xuất bản và hoàn thiện bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” nhằm giúp các nhà quản lý y tế, quản trị bệnh viện cùng các cán bộ, nhân viên y tế có giải pháp hữu hiệu cho bài toán khó khăn nêu trên của ngành y tế.
Các công cụ trong mỗi cuốn sách được viết theo lối súc tích nhất có thể với tính thực tiễn và ứng dụng cao nhất để giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có thể từng bước thành công trong việc ứng dụng các công cụ tinh gọn vào quản trị bệnh viện.
Các công cụ tinh gọn đang được các nhà quản trị trên thế giới từng bước ứng dụng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tại Việt Nam, bên cạnh công cụ đơn giản nhất là 5S (sàng lọc- sắp xếp- sạch sẽ- săn sóc- sẵn sàng) đã được áp dụng rộng rãi trong gần như toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh, với nhiều đơn vị điển hình và trở thành điểm sáng cho các đơn vị khác tham quan học tập, giúp cho môi trường làm việc trong lĩnh vực y tế trở nên ngăn nắp, gọn gàng, công việc trôi chảy hơn…
Tuy nhiên, nhiều công cụ khác mới chỉ được áp dụng ở một mức độ giới hạn, thậm chí còn khá xa lạ với nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Do đó, để mô hình Bệnh viện Tinh gọn phát huy hiệu quả tốt hơn, việc giới thiệu, cập nhật những công cụ hữu ích khác đến các đơn vị y tế là công việc thực sự cần thiết của các nhà quản lý y tế.
Tất cả các hoạt động sẽ được chuẩn hóa với cuốn “Quy trình chuẩn” của bộ sách giúp chất lượng dịch vụ y tế trở nên ổn định và đồng đều hơn. Các hoạt động cải tiến chất lượng sẽ liên tục được nâng cao thể hiện trong tập “Kaizen”.
Các quy trình sẽ trở nên súc tích, hiệu quả hơn và giảm thiểu các sai sót y khoa với tập “Lập sơ đồ chuỗi giá trị lâm sàng”. Các lỗi xuất hiện trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế sẽ được ngăn ngừa và trình bày trong sách “Phòng tránh lỗi”.
Cuốn sách cuối cùng trong bộ sách là “Phương pháp vừa đúng lúc” sẽ giúp cho hệ thống chăm sóc y tế giảm được lãng phí và hoạt động một cách tinh gọn hơn.
Với việc bổ sung gần như đầy đủ các mảnh ghép thiết yếu cho các hoạt động quản lý và cải tiến chất lượng trong y tế theo hướng tinh gọn, bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” sẽ là một trong những bộ tài liệu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách bền vững và phù hợp với điều kiện nguồn lực còn hạn chế tại các cơ sở y tế Việt Nam.