Theo quy hoạch, một khu công nghiệp Dược - Sinh học sẽ được xây dựng trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình). Khu công nghiệp có diện tích lên đến 345 ha (3,45 km2). Để dễ hình dung, diện tích này còn rộng hơn nửa quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (5,29 km). Tổng mức đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Dược - Sinh học khoảng 3.800 tỷ đồng, do liên danh Quỹ Makara Capital Partners Pte., Ltd; Sakae Corporate Advisory Pte., Ltd và Công ty cổ phần Newtechco Group làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư và diện tích lớn, dự án khu công nghiệp này được quy hoạch gồm: khu nhà máy sản xuất, khu nghiên cứu đào tạo, khu nghiên cứu dược liệu, khu logistics – kho cảng, khu hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở chuyên gia và công nhân…Trong ảnh là phối cảnh của dự án. Đây sẽ là nơi thu hút các hãng dược phẩm, thiết bị y tế nước ngoài về Việt Nam sản xuất và mở ra cơ hội để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát minh, hướng đến xuất khẩu với giá trị cao. Đặc biệt, người dân cũng sẽ được hưởng những thành quả khoa học – công nghệ và tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí phù hợp.
Dự kiến, khu công nghiệp Dược - Sinh học năm 2025 có thể khởi công và xúc tiến đầu tư. Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp sẽ thu hút tới 80-90 doanh nghiệp sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời, sẽ tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 18.000 lao động. Khu công nghiệp Dược - Sinh học đặt mục tiêu thu hút đầu tư 2 tỷ USD, tương đương khoảng 48.000 tỷ đồng (tính theo tỷ giá 1 USD = 24.000 đồng). Trong đó, giai đoạn 2024-2027 thu hút 800 triệu USD; giai đoạn 2028-2030 sẽ thu hút 1,2 tỷ USD. Vào năm 2023, Thái Bình là tỉnh đột phá thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 5 toàn quốc. Việc có thêm khu công nghiệp Dược - Sinh học sẽ giúp Thái Bình thu hút thêm được thêm nhiều nhà đầu tư, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh. Hiện tại, vị trí dự kiến xây dựng khu công nghiệp Dược - Sinh học chủ yếu là đất ruộng của người dân địa phương. Tại đây, người dân vẫn đang canh tác. Được biết, Thái Bình là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào về y tế, dược và sinh học, cùng với hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ với hệ thống cảng sông, cảng biển, đường sắt kết nối và cảng hàng không. Theo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng với ngành công nghiệp là động lực chủ yếu. Trong đó, cụm ngành dược phẩm sinh học, thiết bị và dịch vụ y tế sẽ được tỉnh tập trung phát triển. Sự ra đời của khu công nghiệp Dược – Sinh học tập trung đầu tiên với quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ ở tỉnh Thái Bình còn có ý nghĩa vượt ra khỏi quy mô tỉnh. Đó là đưa ra lời giải cho một bài toán khó về những thách thức của ngành dược Việt Nam trên con đường phát triển, hội nhập toàn cầu. Trong ảnh một khu tại thành phố Thái Bình được xây dựng nhiều bệnh viện lớn.
Theo An ninh Tiền tệ
Link bài gốc Copy Link
Copy Link
Link đã được copy
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO