UBND TPHCM đã ban hành văn bản về công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
TPHCM công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (Hình từ Internet)
UBND TPHCM ban hành Quyết định 4567/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 về công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Quyết định 4567/QĐ-UBND |
Theo đó, UBND TPHCM công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh với những nội dung sau:
- Tên làng nghề: làng nghề trồng mai vàng
- Địa chỉ: xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp bằng công nhận, được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP và các quy định hiện hành.
Xem thêm tại Quyết định 4567/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 14/10/2024.
Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP thì làng nghề được công nhận phải đạt cả 03 tiêu chí sau:
- Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2018/NĐ-CP:
+ Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
+ Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
+ Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
+ Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
+ Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
+ Sản xuất muối.
+ Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
- Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 52/2018/NĐ-CP gồm:
- Danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.
- Bản tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn trong 02 năm gần nhất.
- Văn bản bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.
Theo Điều 14 Nghị định 52/2018/NĐ-CP thì làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định 52/2018/NĐ-CP, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như sau:
- Hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề:
+ Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.
+ Nguyên tắc ưu tiên: Làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy định của Luật Đầu tư công 2019 và các bản bản hướng dẫn theo quy định hiện hành.
+ Nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư bao gồm: Nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu và ngân sách của địa phương.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP, làng nghề được khuyến khích phát triển được hưởng các chính sách theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.