Khi thực hiện kiểm toán từ ngày 18/9/2024, Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán sẽ có những trách nhiệm này.
Trách nhiệm của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán từ 18/9/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 18/9/2024, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 1611/QĐ-KTNN sửa đổi Quy chế ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán kèm theo Quyết định 1250/QĐ-KTNN năm 2023, trong đó việc sửa đổi quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán.
Theo đó, khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán sẽ có các trách nhiệm như sau:
(1) Đối với kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán được thuê thực hiện kiểm toán
- Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán trên cơ sở thu thập đầy đủ và đánh giá các bằng chứng kiểm toán thích hợp.
- Tuân thủ pháp luật, các quy định của cấp có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiếm toán; nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên và các quy định khác có liên quan của Kiểm toán nhà nước.
- Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình.
- Thu thập bằng chứng kiểm toán và các tài liệu làm việc khác theo quy định của Kiểm toán nhà nước.
- Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.
- Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán viên phải xuất trình giấy giới thiệu, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề do Bộ Tài chính cấp và chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước.
- Báo cáo kịp thời và đầy đủ với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán và người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Đoàn kiểm toán và các trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Quy chế này.
- Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị doanh nghiệp kiểm toán xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo Hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định của pháp luật có liên quan.
- Không nhận quà vật chất và các lợi ích phi vật chất của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán dưới mọi hình thức.
Ngoài các trách nhiệm nêu trên, Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán sẽ có các quyền hạn như sau:
- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ.
- Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
- Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến nội dung kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
- Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
(2) Kiểm toán viên của doanh nghiệp được uỷ thác kiểm toán khi thực hiện kiểm toán có trách nhiệm và quyền hạn như trường hợp được thuê kiểm toán ở Khoản 1 Điều 14 của Quy chế này, đồng thời tuân thủ theo quy định tại Luật Kiểm toán độc lập và các chuẩn mực, quy trình được Kiểm toán nhà nước chấp nhận.
(Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1250/QĐ-KTNN năm 2023, sửa đổi tại Quyết định 1611/QĐ-KTNN năm 2024)