Những năm gần đây, những loại trái cây độc, lạ như dừa dát vàng, bưởi hồ lô, bưởi đỏ tiến vua... thường được nhiều người lựa chọn để bày mâm ngũ quả ngày Tết, khiến cho mặt hàng này trở nên hút khách mỗi dịp cuối năm.
Dừa dát vàng chạy đơn cho kịp Tết
Mỗi dịp Tết đến, dừa dát vàng được nhiều người ưa chuộng vì vẻ ngoài đẹp mắt, lóng lánh sang trọng, tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát tài và quan trọng nhất là dừa trưng bày được lâu.
Đúng như tên gọi của nó, từ một quả dừa bình thường, các nghệ nhân “trang điểm” lên mình quả những tấm vàng lá, trang trí thêm hình rồng, phượng, gắn thêm chữ chúc phúc… Dừa dát vàng thường bán theo cặp (2 trái) hoặc theo bộ 3 trái, hoặc 4 trái tuỳ theo thông điệp, chữ viết trên mỗi trái dừa.
Theo một số nghệ nhân, để làm ra một trái dừa dát vàng đẹp đầu tiên phải tỉ mỉ ở khâu chọn dừa. Quả dừa đẹp được chọn để chế tác phải là dừa bánh tẻ, không quá già, không quá non. Đặc biệt bề mặt quả phải nhẵn.
Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân lâu năm, dừa dát vàng nên dùng dừa miền Bắc, vì loại này vỏ dày sọ bé hơn so với dừa miền Nam vỏ mỏng, sọ to, nhiều nước. Dừa dát vàng dùng dừa miền Bắc có thể chơi tối thiểu 3 tháng đến 1 năm.
Khi chọn được dừa đẹp người nghệ nhân quét keo đều khắp quả dừa, sau khoảng 35-40 phút keo khô thì dán lá vàng lên quả dừa. Để trái dừa đẹp hơn, căng bóng, nghệ nhân dùng cọ quét lại một lượt. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay.
Không chỉ dát vàng, nhiều trái dừa lớn được còn được trang trí thêm rất cầu kỳ như ghép râu, ghép quả nhỏ, khắc chữ tài lộc…
Tại xưởng sản xuất dừa của anh Toàn - xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội, giá mỗi cặp dừa trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ được bán với giá sỉ 1 triệu đồng/cặp, những trái dừa dát vàng size nhỏ bán với giá sỉ 200.000 đồng/cặp, size lớn bán với giá 500.000 đồng/cặp
Anh Toàn cho biết đã có kinh nghiệm 9 năm sản xuất dừa dát vàng, Tết năm nay anh có kế hoạch sản xuất 3.000-4.000 quả, hầu hết làm theo đơn khách đã đặt trước. Với nhiều đơn hàng lớn cho dịp Tết, anh phải liên tay làm suốt ngày suốt đêm cho kịp thời gian giao hàng.
Tại một cửa hàng bán đồ trang trí trên phố Hàng Mã, Hà Nội một cặp dừa dát vàng đắt nhất đang được rao bán với giá 1 triệu đồng/quả. Nhiều loại nhỏ hơn trang trí đơn giản hơn được bán với giá từ 200.000 - 600.000 đồng/quả. Chủ của hàng cho biết, giá của những quả dừa dát vàng đã giảm hơn so với những năm trước do có nhiều nguồn cung đổ vào thị trường, nhưng nhìn chung đây vẫn là mặt hàng được nhiều người hỏi mua vì có hình dáng đẹp, sang trọng, bắt mắt và trang trí được lâu.
Bưởi tạo hình miền Bắc bị tác động mạnh bởi bão
Ngoài dừa dát vàng, nhiều khách hàng sẵn sàng chi tiền triệu cho những loại quả đẹp mắt khác để trang trí ban thờ.
Bưởi là loại trái cây được nhiều người yêu thích bày ban thờ, vì thế nhiều nhà vườn đặc biệt tạo các dáng độc đáo cho trái bưởi trong dịp Tết Nguyên đán. Các tạo hình chủ yếu được chọn như: dáng hồ lô, dáng thỏi vàng, khắc chữ tài lộc, khắc hình bản đồ Việt Nam…
Anh Hoàng (chủ vườn bưởi tại Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, để tạo ra một trái bưởi có hình dáng đẹp, bắt mắt, từ lúc bưởi ra hoa đến khi thu hoạch, người trồng mất hơn 6 tháng chăm sóc. Anh Hoàng phải chọn những trái bưởi tròn, đẹp, cuống to… để cho vào khuôn tạo hình.
Bưởi được chọn để tạo hình phải đạt nhiều tiêu chí, màu sắc bắt mắt, trọng lượng vừa đủ từ 800g đến 1,6kg, ngoài ra trái cũng phải cân đối, chính vì vậy một cây bưởi khoảng 20-30 trái chỉ chọn được 5-6 trái để tạo hình.
Bưởi tạo hình có yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe, không được để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào trái bưởi, cần che đậy kín để tránh bị rám nắng. Vì khi có ánh nắng trực tiếp sẽ làm bưởi rụng hoặc nám trái, sản phẩm không ra hình dáng như ý muốn.
Anh Hoàng cho biết vườn bưởi năm nay bị tác động bởi cơn bão số 3, nhiều cây rụng trái nhiều, nhiều trái nhỏ, trái hỏng. Một số trái đã cho vào khuôn nhưng không phát triển được. Vì thế cả vườn bưởi chỉ tạo ra được khoảng 500 cặp bưởi tạo hình cho dịp Tết Nguyên đán.
Khảo sát trên mạng, các cặp bưởi tạo hình đang được bán với giá nhỉnh hơn một chút so với mọi năm, dao động từ 1-3 triệu đồng/cặp, tùy vào độ lớn của bưởi và độ phức tạp của tạo hình.
Ngoài dừa dát vàng, bưởi tạo hình, nhiều người còn yêu thích mua sắm các loại hoa quả độc, lạ khác như: Dưa hấu khắc chữ, đào tiên tạo hình...để bày mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả là phong tục truyền thống, làm không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa, đồng thời chứa đựng ước vọng của gia chủ. Tuy mỗi miền mỗi khác, nhưng tựu trung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc và của ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người Việt.
Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của mỗi người nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn. Hiện nhiều người không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả...