Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trào lưu “Em bé yêu nước” đang lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội không chỉ là một xu hướng dễ thương mà còn là tấm gương phản chiếu tình yêu Tổ quốc một cách tự nhiên, trong sáng và đầy xúc động từ thế hệ măng non.
Thời gian gần đây, một đoạn video dài chưa đầy 30 giây được lan truyền chóng mặt trên TikTok: em bé khoảng 4 tuổi, mặc áo cờ đỏ sao vàng, nghiêm trang đứng chào cờ trong phòng khách. Bên cạnh bé là ông, bà cũng đứng nghiêm chỉnh không kém dưới nền nhạc "Tiến quân ca".
Chỉ sau vài giờ, đoạn clip đã thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm ngàn lượt chia sẻ cùng vô số bình luận như: "Nổi hết da gà, một thế hệ yêu nước mới đang lên tiếng"; "Cái cách em bé đứng nghiêm như vậy khiến mình xúc động hơn bất kỳ bài diễn văn nào";....
Từ đó, hàng loạt clip tương tự bắt đầu xuất hiện: bé đứng nghiêm khi nghe Quốc ca vang lên trên tivi; bé hát Quốc ca rõ từng chữ dù mới chỉ học nói; bé nghiêm trang gấp lá cờ Tổ quốc sau giờ học… Không ai phát động, không có đơn vị tài trợ, không một chiến dịch truyền thông bài bản, thế nhưng làn sóng "Em bé yêu nước" bỗng trở thành hiện tượng mạng xã hội đáng chú ý nhất trong những ngày qua.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Tổng Chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học và THCS, thành viên Ban Phát triển chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018 cho biết: "Với môn Lịch sử, cần giáo dục truyền thống yêu nước qua những bài học lịch sử nội khóa và bài học ngoại khóa. Trên cơ sở những sự kiện lịch sử chính xác, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học bộ môn để tạo biểu tượng về hình ảnh, sự kiện, con người. Từ đó, bồi dưỡng lòng yêu nước, tình cảm thắm thiết với dân tộc."
Thực tế, nhiều gia đình hiện nay bắt đầu chủ động lồng ghép các yếu tố yêu nước trong sinh hoạt hằng ngày như: Cùng con hát Quốc ca vào mỗi sáng cuối tuần, kể chuyện Bác Hồ thay vì hoạt hình trước giờ ngủ, hay giải thích về ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc khi đi dạo buổi chiều…
Điều đó chứng minh rằng, lòng yêu nước không cần dạy bằng lý thuyết khô khan mà cần được nuôi bằng tình cảm, bằng ký ức, bằng những điều rất đỗi bình thường nhưng đủ sâu sắc. Không phải trào lưu "cute" mà là một lời nhắc nghiêm túc. Nhiều người dùng mạng gọi đây là "trend cute", "trào lưu dễ thương",... Đằng sau vẻ dễ thương của những em bé yêu nước là cả một thông điệp lớn: "Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại cách thế hệ trẻ tiếp cận lòng tự tôn dân tộc. Không chỉ qua sách giáo khoa mà bằng cảm xúc thật và hình mẫu gần gũi".
Dưới các bài đăng về "Em bé yêu nước", hàng loạt bình luận để lại đã nói thay tâm trạng nhiều người lớn:"Trẻ con không cần hiểu hết về lịch sử nhưng chúng cảm nhận được sự linh thiêng nếu người lớn cũng sống tử tế và yêu nước thật lòng"; "Một đứa trẻ nghiêm túc khi hát Quốc ca có khi lay động lòng người hơn cả bài phát biểu hàng nghìn chữ;... Những phản hồi này không ồn ào, không tô hồng nhưng là bằng chứng cho thấy, trong sâu thẳm, ai cũng mong thấy một thế hệ trẻ biết yêu Tổ quốc bằng trái tim chân thành nhất.
Lòng yêu nước không cần được "bật công tắc" mỗi dịp lễ lớn. Nó cần được duy trì như một ngọn lửa nhỏ trong từng bữa ăn, mỗi câu chuyện, từng hành vi của cha mẹ, thầy cô và người lớn quanh trẻ. Bởi chỉ khi được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương thay vì mệnh lệnh thì lòng yêu nước mới có thể lớn lên cùng con người, đi suốt một đời.