Bài viết sau có nội dung về trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu được quy định trong Luật Thú y 2015.
Trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 42 Luật Thú y 2015 thì trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu được thực hiện như sau:
- Hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu bao gồm:
+ Đơn đăng ký kiểm dịch;
+ Yêu cầu vệ sinh thú y của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng (nếu có);
+ Mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu (nếu có).
- Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu được thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Thú y 2015 cho Cục Thú y;
+ Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y quyết định và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian kiểm dịch;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch; trường hợp kéo dài hơn 05 ngày làm việc hoặc không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch phải thông báo, trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trường hợp nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch thì thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Thú y 2015.
Điều kiện tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định 35/2016/NĐ-CP bao gồm:
- Điều kiện tiếp tục xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật:
+ Động vật, sản phẩm động vật không có nguy cơ mang đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hoặc đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y và đã áp dụng các biện pháp bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y theo yêu cầu của nước nhập khẩu;
+ Động vật, sản phẩm động vật đã được kiểm tra, giám sát, xác nhận việc thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục được các nguyên nhân vi phạm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Điều kiện để tiếp tục nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật:
+ Động vật, sản phẩm động vật tạm ngừng nhập khẩu được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 35/2016/NĐ-CP được phép nhập khẩu vào Việt Nam khi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận đã kiểm soát được dịch bệnh hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới và đã áp dụng các biện pháp bảo đảm không còn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh theo yêu cầu của Việt Nam;
+ Động vật, sản phẩm động vật được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 35/2016/NĐ-CP được phép nhập khẩu vào Việt Nam khi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu có báo cáo xác định nguyên nhân bị nhiễm đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hoặc đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y và đã áp dụng các biện pháp khắc phục triệt để;
+ Động vật, sản phẩm động vật được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 35/2016/NĐ-CP được phép nhập khẩu vào Việt Nam khi được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra, giám sát, xác nhận khắc phục và bảo đảm không còn nguy cơ cao.