Trong 40.000 cây gãy đổ, các đơn vị mới giải toả 660 cây, trồng lại 250 cây, số còn lại mới tạm xử lý để đảm bảo đi lại, nằm ngổn ngang ở vỉa hè, lề đường.
Ngày 7/9, bão Yagi quét qua Hà Nội với sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12 làm nhiều cây xanh gãy đổ. Thống kê đến ngày 13/9 thành phố có trên 40.000 cây gãy đổ, chủ yếu ở khu vực trung tâm. Ngoài ra còn 8 quận huyện chưa báo cáo gồm Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ.
Trong ảnh là cây phượng có đường kính khoảng hai người ôm bật gốc, đổ rạp xuống Hồ Gươm, chắn lối đi của người dân. Khu vực này nhiều du khách tham quan, nhưng không thể đi lại ở đường ven hồ.
Hai cổ thụ trên phố Nhà Thờ, phía trước Nhà thờ Lớn (nhà thờ Chính toà Hà Nội), bị bật gốc đêm 7/9, cành cây chắn hết lối đi. Lực lượng chức năng mới cắt gọn phần thân, cành và thu dọn vào mép vỉa hè, còn lại các gốc cây chưa được xử lý.
Trong số 40.000 cây gãy đổ ở Hà Nội có hơn 13.600 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác do thành phố quản lý) gồm: 10.589 cây đổ, bật gốc; 3.069 cây cành gãy, cây gãy ngọn. Cây do quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khác khu đô thị, cơ quan, đơn vị là hơn 26.300 cây.
Trên phố Hàng Dầu, nhiều du khách phải đi bộ xuống lòng đường do ngổn ngang trên vỉa hè.
Theo Sở Xây dựng, dù huy động 100% lực lượng, thiết bị của các đơn vị, cùng sự hỗ trợ từ lực lượng vũ trang, các tỉnh thành nhưng bão Yagi quá lớn khiến số cây hư hỏng nhiều, việc di dời chưa đáp ứng yêu cầu.
Cây me hơn trăm tuổi trên phố Hàng Trống nằm chắn hết mặt tiền 4 hộ kinh doanh áo quần, đồ ăn uống. Nhiều người dân phải đỗ xe dưới lòng đường, ảnh hưởng giao thông, đi lại của khách du lịch.
Đầu phố Hàng Mã giao phố Hàng Cân thành điểm tập kết cành cây ngã đổ sau bão, ảnh hưởng việc kinh doanh của các hộ dân gần đó.
Tính đến ngày 12/9, các đơn vị đã thực hiện giải tỏa 660 cây, xử lý nhưng chưa thu dọn, di dời trên 6.729 cây; đang xử lý 118 cây. Đối với cành gãy, đã xử lý cắt ngọn 2.820 cây, chưa xử lý 206 cây.
Cổ thụ trên phố Hàng Cót đã cắt khúc, chưa được thu dọn gây ảnh hưởng giao thông. Đây là đường cho xe chạy hai chiều nhưng hiện chỉ có thể đi một làn xe.
Nhiều cây xanh bật gốc trên vỉa hè đường Thanh Niên, giáp ranh giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Một cây đè trúng ba xe đạp công cộng.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội hiện tập trung giải tỏa cây gãy, đổ ở các quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên và các đường Võ Nguyên Giáp, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên.
Vườn hoa Vạn Xuân (còn gọi là vườn hoa Hàng Đậu), nhiều cây xanh đổ quanh Tượng đài Cảm tử. Đến trưa 13/9, nhiều cành cây được cắt gọn, tập kết ngay chân tượng đài.
Cùng tham gia hỗ trợ Công ty công viên cây xanh Hà Nội còn có lực lượng tinh nhuệ cắt tỉa, giải toả cây xanh từ TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Định, Huế, Nghệ An, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Bình, Hòa Bình...
Vỉa hè trước Trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, thành nơi tập kết cây gãy đổ đã được cắt gọn, nhưng chưa di dời.
Tại cuộc kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan sáng 13/9, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị chuẩn hoá số liệu thống kê thiệt hại cây xanh, trong đó phân loại rõ cây cổ thụ, cây có thể trồng lại, cây nào mang đi ươm. Ông cũng yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố là cố gắng cứu 3.000 cây có thể hồi phục, trong đó hơn 100 cây quý hiếm.
Một cây bị đổ trước bão, được trồng lại trước trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.
Thành phố đã chỉ đạo cứu những cây cổ thụ, cây có giá trị, cây đường kính dưới 25 cm. Đến nay các đơn vị đã rà soát phân loại có hơn 3.000 trồng lại. Trong đó có 250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại.
Phố Phan Đình Phùng nơi có nhiều cây đổ trong bão, đã được thu dọn trả lại cảnh quan.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu với việc giải toả cây gãy đổ phải hoàn thành trước 20/9 để chuyển sang giai đoạn cứu cây. Các đơn vị liên quan tập trung khôi phục hạ tầng, cải tạo vỉa hè sau khi trồng lại cây xanh gãy, đổ.