Truy tố Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc cùng hàng chục đồng phạm

09/04/2024 16:00

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và 49 bị can khác về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Trịnh Văn Quyết thành lập, chỉ đạo 82 công ty

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thành lập năm 2009 do Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT. 

Trong hệ thống của Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết đã thành lập 17 công ty con, công ty liên kết, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 31.367 tỉ đồng; 8 công ty liên quan nhằm mục đích đăng ký niêm yết, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 39.207 tỉ đồng; 57 công ty vệ tinh, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 21.000 tỉ đồng. 

Trịnh Văn Quyết là người có vai trò quyết định trong tổ chức bộ máy và và quyết định hoạt động kinh doanh như: chỉ định các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kế toán, Tài chính của Tập đoàn, chỉ định các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc của các công ty con, công ty liên kết và các công ty liên quan.

Trịnh Văn Quyết quyết định, chỉ đạo các hoạt động tài chính, kinh doanh chính của cả hệ thống 82 công ty nêu trên, với tổng số vốn điều lệ theo đăng ký là 91.574 tỉ đồng (trong đó có Công ty FAROS, Công ty BOS và một số công ty có liên quan trong vụ án này).

Tại Tập đoàn FLC: Doãn Văn Phương là Tổng Giám đốc (từ năm 2012 đến 2015); Hương Trần Kiều Dung là Tổng Giám đốc (từ tháng 5/2015 đến tháng 3/2017); Trịnh Thị Minh Huế, em gái của Trịnh Văn Quyết là nhân viên Ban Kế toán; Trần Thế Anh, Ban Pháp chế. 

Tập đoàn FLC đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh năm 2013, mã cổ phiếu FLC.

Trịnh Văn Quyết là chủ mưu

Theo cáo trạng, nhóm bị can bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự có 31 bị can. 

Trong đó, bị can Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc mua và đổi tên thành Công ty Faros và dùng Công ty Faros làm công cụ, phương tiện để chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.

Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo Công ty Faros thực hiện các thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận là Công ty đại chúng; được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE; chỉ đạo việc mua bán số cổ phiếu khống về giá trị để chiếm đoạt số tiền hơn 3.621 tỉ đồng của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân của Trịnh Văn Quyết.

Bị can Trịnh Văn Quyết khai nhận hành vi phạm tội như trên và đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 189,5 tỉ đồng.

Trịnh Thị Minh Huế giúp Quyết chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng

Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, bị can Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp nhận chỉ đạo từ Trịnh Văn Quyết thực hiện, điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn góp tại Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên thành 4.300 tỉ đồng; hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE; bán cổ phiếu, thu tiền chuyển cho Trịnh Văn Quyết sử dụng.

Cụ thể, Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn và sử dụng vốn để HĐQT ký. 

Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp điều chuyển dòng tiền nâng khống vốn góp bằng cách sử dụng thông tin của các cổ đông góp vốn và nhờ các cá nhân ký chứng từ (đứng tên cổ đông, đứng tên trên giấy nộp tiền/rút tiền) và một lượng tiền nhỏ, nộp vào, rút ra quay vòng nhiều lần cho đủ số vốn góp theo chỉ đạo của Quyết.

Huế đã hợp thức sử dụng vốn góp khống bằng cách soạn thảo các chứng từ liên quan đến việc ủy thác đầu tư để HĐQT, Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc Kế toán trưởng Công ty Faros ký và đưa cho các cá nhân và tổ chức nhận ủy thác đầu tư ký hợp thức giúp Huế; 

Trịnh Thị Minh Huế hoàn thiện thủ tục cổ đông để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE; bán 391.155.480 cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, giúp Quyết chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng.

Truy nã Doãn Văn Phương và tách vụ án hình sự để tiếp tục xử lý

Đối với bị can Doãn Văn Phương, là người tham mưu cho Trịnh Văn Quyết, thường xuyên bàn bạc, thống nhất chủ trương và được Quyết giao trực tiếp thực hiện thủ tục mua công ty Faros; ký các thủ tục tăng vốn điều lệ, ủy thác đầu tư.

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Phương ký tờ trình, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết các lần tăng vốn từ 1.125 tỉ đồng lên 3.037 tỉ đồng; từ 3.037 tỉ đồng lên 3.500 tỉ đồng; từ 3.500 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng; Nghị quyết và các văn bản đề nghị, giải trình với các cơ quan chức năng để cổ phiếu Công ty Faros được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Phương chỉ đạo Tổng Giám đốc ký hợp đồng ủy thác đầu tư để hợp thức số vốn góp khống và các báo cáo tài chính; ký 18 giấy rút tiền mặt để Huế rút 900 tỉ đồng ra khỏi tài khoản của Công ty Faros, để hợp thức dòng tiền tăng vốn khống.

Còn với vai trò là cổ đông, Phương được Quyết giao ký hợp đồng nhận chuyển nhượng/giấy nộp tiền góp vốn, để sở hữu 7.762.500 cổ phần, tương đương 77,625 tỉ đồng.

Sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần cho Quyết để hợp thức vốn góp, hợp thức danh sách cổ đông đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán, để Quyết bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiếm đoạt tiền.

Do bị can Doãn Văn Phương đã xuất cảnh ra nước ngoài từ ngày 27/3/2022. Ngày 28/1/2024, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã đối với bị can Doãn Văn Phương và tách vụ án hình sự để tiếp tục xử lý khi bắt được bị can.

Trịnh Thị Thúy Nga giúp Huế nâng khống vốn chủ sở hữu

Cơ quan tiến hành tố tụng cũng xác định, bị can Trịnh Thị Thúy Nga được Trịnh Thị Minh Huế giao ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros để hợp thức nâng khống vốn góp.

Cụ thể, Nga đã ký 6 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros, với tổng số tiền 368 tỉ đồng để nâng khống vốn góp từ 1.125 tỉ lên 3.500 tỉ đồng; ký 50 ủy nhiệm chỉ chuyển hơn 1.327 tỉ đồng để Huế hợp thức hoá, che giấu số vốn góp khống.

Ngoài ra, Nga trực tiếp nhờ 3 nhân viên cấp dưới ký 17 hợp đồng nhận tiền ủy thác đầu tư với tổng số tiền 880,1 tỉ đồng của Công ty Faros để hợp thức nâng khống vốn góp và mượn chứng minh thư nhân dân của nhân viên để đưa cho Huế sử dụng mở 10 tài khoản chứng khoán mua bán cổ phiếu ROS.

Hành vi của Nga đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Hương Trần Kiều Dung đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu

Đối với bị can Hương Trần Kiều Dung không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Quyết giao ký hợp đồng nhận chuyển nhượng, giấy nộp tiền góp vốn, để sở hữu 52,35 triệu cổ phần, tương đương 523,5 tỉ đồng.

Sau đó Dung ký hợp đồng chuyển nhượng trả lại 10,35 triệu cổ phần cho Trịnh Văn Quyết để hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết; còn lại 42 triệu cổ phiếu giao cho Huế bán, thu tiền cho Quyết.

Hương Trần Kiều Dung cũng ký 2 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros số tiền 48 tỉ đồng để hợp thức việc nâng khống vốn góp.

Sau khi niêm yết, Hương Trần Kiều Dung tiếp tục ký chuyển hơn 7.326 tỉ đồng để che giấu số vốn góp khống. 

Hành vi của Hương Trần Kiều Dung đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Truy tố Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc cùng hàng chục đồng phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO