Dự kiến kể từ ngày 1/7 tới, mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa từng vùng sẽ thay đổi theo chính sách cải cách tiền lương. Vậy mức đóng bảo hiểm thất nghiệp thay đổi như thế nào?
Bộ Nội vụ vừa thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm nay vào ngày 1/7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải bảo đảm theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 91 Bộ luật Lao động.
Theo Khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định về mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc theo hợp đồng, mức lương tối thiểu vùng của người lao động dự kiến sẽ tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng, tương đương với mức tăng thêm 6% so với hiện hành.
Do đó, khi mức lương tối thiểu vùng tăng theo đề xuất tại Dự thảo nêu trên thì kéo theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động cũng tăng theo.
Với mức điều chỉnh lương tối thiểu tăng 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1/7 tới đây, lương tối thiểu tháng tại các cùng tăng tương ứng như sau: Vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Khi mức tiền lương tối thiểu vùng tăng, đồng nghĩa tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng lên theo từng địa bàn áp dụng.
Theo quy định tại Luật Việc làm 2013, tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tuy nhiên có sự khác nhau giữa khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp.
Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương cơ sở, là bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng là bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động, tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, dự kiến kể từ ngày 1/7 tới, mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa đối với từng vùng như sau: Vùng I là 99,2 triệu đồng; vùng II là 88,2 triệu đồng; vùng III là 77,2 triệu đồng; vùng IV là 69 triệu đồng.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (theo Khoản 4, Điều 3 Luật Việt làm 2013).
Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp mà rất nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm 2013 đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;
Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm 2013.
- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.