Trong hình dung của nhiều người Việt, đồ chế biến sẵn đông lạnh được ưa chuộng kém hơn đồ tươi sống. Nhiều người tin rằng, thức ăn homemade với hương vị chân thực "ăn đứt" hàng công nghiệp, bởi nó đem lại cảm giác gần gũi, mộc mạc và sự chăm chút của bàn tay con người.
Thấu hiểu điều đó, những chủ nhân của công ty DOSUN FOOD - công ty thực phẩm đầu tiên sản xuất và kinh doanh dồi sụn - luôn trăn trở việc giữ vị nhà làm cho từng sản phẩm của mình.
Món ăn chơi giúp bà chủ đổi đời, quyết "bảo thủ" với hương vị mộc mạc
DOSUN FOOD hiện đang kinh doanh khoảng hơn chục mặt hàng thuộc các dòng sản phẩm dồi sụn, lạp xưởng, nhưng chị Nguyễn Thị Thủy (Phó Giám đốc công ty DOSUN FOOD) tiết lộ, sản phẩm chị đầu tư nhiều tình cảm nhất là hàng "Phố Cổ". Mặt hàng này là sản phẩm đầu tay của công ty, và có hương vị đặc trưng nhất, nổi bật nhất triết lý: mang vị nhà làm đi khắp muôn nơi mà những người sáng lập luôn tâm niệm.
Ngoại trừ khâu nhồi nhân có sự tham gia của máy móc, còn lại tất cả các khâu sản xuất sản phẩm này đều là thủ công. Để làm ra món này, từng dây dồi sụn dài, nặng 2kg được cuộn tròn lại rồi đem nướng trực tiếp trong lò than hoa từ lúc sống cho đến khi chín giòn, thấm đẫm hương vị khói.
Bà chủ thương hiệu bộc bạch: "Từ khi dồi sụn nướng than hoa là món ăn bán kèm trong quán bia gia đình, cho đến giờ, là sản phẩm đặc trưng của công ty, chúng tôi vẫn cố giữ hương vị và cách làm không thay đổi. Dồi sụn nướng than hoa có vị đậm đà và nhiều khói, do cách nướng đặc biệt cầu kỳ, nên khi làm nóng lại, mọi người ăn vẫn thấy được hương vị y như vừa ra lò.
Những công nhân đảm nhiệm sản xuất sản phẩm này của công ty chúng tôi cũng được tuyển lựa kỹ, đặc biệt là khâu đứng bếp, người ta phải tinh tế điều chỉnh lửa than hoa, phải kiểm soát thật chặt từng khoanh dồi để đưa ra khi đã chín tới… Cho đến giờ, tôi tự hào vì công ty mình là duy nhất trên thị trường sản xuất được dồi sụn nướng than hoa".
Nhưng không chỉ riêng sản phẩm đầu tay này, các sản phẩm khác của DOSUN cũng được làm theo nguyên tắc sao cho hương vị thật mộc mạc, thật vị của thực phẩm, dù sản xuất đại trà nhưng vẫn tránh bẫy "hương vị công nghiệp". Bà chủ tiết lộ, ngoại trừ việc phối trộn thêm thịt gà xay, ức gà vào một số dòng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ăn uống lành mạnh hơn, các công thức của DOSUN vẫn được chị trung thành từ thời kinh doanh nhỏ lẻ.
"Tôi xuất thân từ người làm hàng ăn, và cũng hơi bảo thủ trong việc tuân theo quy trình chế biến và các nguyên liệu. Đến khi mở công ty, sản xuất hàng số lượng lớn, tôi vẫn giữ thói quen đó, vẫn trung thành với công thức. Có những thời điểm nguyên liệu đầu vào nhiều biến động giá, tôi vẫn không muốn bớt xén gì, vì hiểu rằng nó sẽ làm thay đổi chất lượng sản phẩm đầu ra.
Để tôi kể bạn nghe, hồi xưa có thời tôi bán bún móng giò mọc thịt, mỗi nồi nước dùng phải đủ 40kg xương ngon, hầm âm ỉ, mở vung để nước dùng thật trong, thật ngọt. Hôm đó đầu mối giao không chuẩn, thiếu chừng 1 - 2 kg, tôi phải chạy ra chợ mua thêm. Tôi dặn chồng ở nhà để ý, thấy nồi xương sôi thì đóng giúp tôi cửa bếp lò, mở vung ra, nhưng anh quên. Đến khi tôi về, nhìn nồi nước xương sôi ùng ục, đục ngầu, tôi bật khóc, giãy nảy như đứa trẻ bị giật quà, vì biết nồi xương đã hỏng. Hôm đó tôi bỏ hết đi, chứ nhất định không bán bún với nước đục.
Đấy, đến giờ tôi vẫn bảo thủ y như thế với những sản phẩm của công ty mình, từ việc lựa nguyên liệu đầu vào cho đến kén gia vị. Không phải tôi không nghĩ đến lợi nhuận, làm kinh doanh mà không mong có lãi là nói dối, nhưng tôi ưu tiên hơn việc chăm chút để món ăn được tròn vị, tối ưu hóa từng sản phẩm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường".
Bài toán khó của nhãn hàng non trẻ: Ưu tiên doanh số hay phát triển thương hiệu?
Từ chỗ là cơ sở dồi sụn thủ công cho đến công ty thực phẩm, việc phải áp dụng công nghệ, vận hành máy móc công nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất cho đến quán xuyến nguyên liệu đầu vào, quản lý nhân sự, kho bãi…, những người sáng lập DOSUN đã phải trả giá rất nhiều. Chị Thủy kể, chị "không dám" thống kê những mẻ hàng thời điểm đầu chưa tối ưu, bị hỏng, hoặc không đạt chất lượng, phải đổ bỏ, vì xót xa. Phải mất 1 năm "vật lộn" từ khi mở công ty vào năm 2016, trả nhiều giá đắt để có bài học thực tiễn, mọi thứ mới tương đối hoàn thiện.
Bà chủ thương hiệu dồi sụn đầu tiên ở Việt Nam nhớ lại, những tháng ngày đầu, chị loay hoay không biết phát triển thị trường ra sao, làm gì để khách hàng lạ biết đến sản phẩm của mình. Chị và mấy người bạn chia nhau cầm mấy chục ký sản phẩm vào Sài Gòn, rồi đến các quán bia, quán nhậu, chuỗi bún đậu để chào hàng. Cũng có người niềm nở tiếp đón, cũng có nơi đợi vài tháng mà chẳng có động tĩnh gì. Thời điểm ấy, có buồn, có lo lắng, nhưng chị không nản, bởi tin rằng sản phẩm của mình có chất lượng tốt, hương vị đáng nhớ, rồi sẽ đến ngày khởi sắc.
Điều khiến vị Phó Giám đốc trăn trở nhất, ấy là cái tên thương hiệu gắn bó với sản phẩm chưa được chú ý nhiều. Trong những năm 2016 - 2022, để đẩy mạnh doanh số và "phủ sóng" mặt hàng, DOSUN đổ mối cho nhiều nhà hàng, quán bia cũng như các chuỗi cửa hàng. Doanh số ổn định giúp duy trì hoạt động nhà xưởng, hệ thống khách quen mua số lượng lớn cũng khá tốt, nhưng chị Thủy không cảm thấy thỏa mãn. Bởi lẽ, hàng thì bán được, khách hàng chấp nhận sản phẩm, nhưng cái tên DOSUN thì không được nhắc tới.
"Để tên tuổi công ty được đính kèm với sản phẩm, nhận diện cùng với chất lượng, đặc biệt là phá vỡ định kiến của người tiêu dùng rằng hàng sản xuất đại trà sẽ có vị công nghiệp, không thể ngon bằng hàng homemade, đó là định hướng của chúng tôi trong những năm tới. Có thể sự bảo thủ ấy của tôi sẽ mất nhiều thời gian mới cho thấy kết quả, nhưng với những gì chúng tôi đang nỗ lực, tôi hy vọng DOSUN sẽ sớm khởi sắc, trở thành nhãn hiệu thực được ưa chuộng với các gia đình Việt", nữ Phó Giám đốc quả quyết.
Doanh nghiệp tự giới thiệu