Từ vụ 10 người dân bị kẻ lạ mặt tấn công, cần hiểu đúng để xử lý an toàn khi nghi ngờ phơi nhiễm HIV

Thanh Hải 08/04/2019 19:41

PLBĐ – Vụ việc 10 người dân phải vào bệnh viện điều trị phơi nhiễm HIV do bị kẻ lạ mặt tấn công đang khiến dư luận xôn xao. Vì vậy, có kiến thức xử lý để tránh phơi nhiễm HIV trong cuộc sống hằng ngày là điều vô cùng quan trọng.

Hoang mang sau vụ việc 10 người phải điều trị phơi nhiễm HIV do kẻ lạ tấn công

Theo Thông tấn xã Việt Nam thông tin, Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, bệnh viện đã tiếp nhận 10 người dân đến tư vấn, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do bị một người đàn ông lạ mặt dùng vật sắc nhọn gây thương tích.

Sự việc này đang gây hoang mang cho rất nhiều người.

Theo bác sỹ Hùng, qua lời kể của người dân, những người này bị một người đàn ông lạ mặt tấn công tại một số địa điểm trên địa bàn quận 5.

Đa số những người đến điều trị phơi nhiễm trong tình trạng có vết thương ở tay, lưng. Đặc biệt, trong ngày 30/3, có tới 5 người dân đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bác sỹ đã tư vấn và phát thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV cho người dân trong 28 ngày. Sau 28 ngày, bệnh viện hẹn quay lại để tái khám, theo dõi và kiểm tra lại. 

10-nguoi-o-sai-gon-dieu-tri-phoi-nhiem-do-mot-ke-la-tan-cong
Bệnh viện Nhiệt đới nơi tư vấn và điều trị cho 10 người bị nghi phơi nhiễm HIV.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM cũng đã xác nhận sự việc trên với báo Dân sinh.

Được biết, danh tính người gây ra vụ việc trên là Châu Kiều Bình Huy (SN 1989, ngụ TP.HCM). Tại cơ quan công an, Huy khai nhận đã thực hiện dùng vật nhọn đâm nhiều người khiến những người này phải phơi nhiễm HIV.  

Đại tá Quang cho biết Huy có 2 tiền án tiền sự về tội trộm cắp và ma túy. Hiện Công an quận 5 hiện đang phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới xác minh thêm nạn nhân để xác định chính xác và giám định tâm thần với Huy để phục vụ điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quay trở lại khu vực xảy ra sự việc, phóng viên Tri Thức Trẻ đã ghi nhận nơi đây thường xuyên có các bạn sinh viên và người dân qua lại. "Mình có đọc báo trên báo và có nghe về vụ việc nhiều người bị dùng kim tiêm hay vật nhọn tấn công ngay trên con đường thường đi học mỗi ngày.

Điều này khiến cho mình và các bạn trong lớp cảm thấy rất bất an, nhất là những ngày đi học về chiều tối", bạn Nguyễn Hoàng An (sinh viên trường đại học Khoa học Tự nhiên) chia sẻ.

Bên cạnh đó, Lê Minh Vương (tài xế chạy Grab) cho biết bản thân thường xuyên đậu xe ở khu vực nói trên để đón khách: "Tôi cảm thấy rất sợ, nhiều khi người đó nhiễm HIV mà mình không chạy chữa kịp thì thật nguy hiểm. Mong cơ quan chức năng có biện pháp phòng chống để đảm bảo an toàn cho người dân".

Hiểu đúng về tình trạng phơi nhiễm HIV

hiv2-15547028766802085980305

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y Tế): Phơi nhiễm với HIV (exposure) là tình huống có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. 

Phơi nhiễm HIV được chia làm 2 loại là phơi nhiễm nghề nghiệp và ngoài môi trường nghề nghiệp (tại cộng đồng). Trong đó, các tình huống mà người dân hay gặp là phơi nhiễm ngoài nghề nghiệp, điển hình như trường hợp bị đâm vào kim tiêm, vật nhọn có nghi dính máu hoặc dịch của người mắc HIV, sử dụng chung bơm kim tiêm với người có mắc HIV...

Phơi nhiễm HIV là một tình trạng rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày nhưng không phải cứ phơi nhiễm là sẽ bị mắc HIV. Tuy nhiên, vì nhiều người không trang bị kiến thức đầy đủ hoặc do tâm lý quá hoảng loạn nên đã khiến cho việc điều trị dự phòng diễn ra muộn, gây nên những hậu quả khó lường.

Cần làm gì khi bị đâm phải kim tiêm, vật nhọn hoặc dính máu nghi ngờ nhiễm HIV

Các tình huống phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp thường rất đa dạng với những nguy cơ khác nhau. Việc quan trọng nhất cần làm là nhanh chóng xử lý bởi càng để lâu thì hậu quả có thể sẽ càng nghiêm trọng.

hiv3-15547028766832052273714-crop-1554702989658299064524

1. Xử lý phơi nhiễm

- Với trường hợp bị bắn vào mắt, mũi, miệng, bề mặt da: nhanh chóng dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để ngâm mắt, xịt mũi, súc miệng trong vòng 5 phút. Nếu bề mặt da không có tổn thương thì chỉ cần rửa sạch, không chà xát mạnh. Quần áo bị dính máu hoặc dịch thì nên tiêu huỷ luôn.

- Nếu bị đâm hoặc giẫm phải kim tiêm, vật nhọn nghi dính máu HIV: bình tĩnh lấy vật gây tổn thương ra, rửa vết thương dưới vòi nước sạch. Tốt nhất, hãy để máu tự chảy ra, tuyệt đối không bóp, nặn cho máu chảy thêm. Sau đó, dùng xà bông rửa sạch rồi dùng thuốc sát khuẩn để sát trùng rồi băng bó vết thương lại.

*Lưu ý: Khi đến cơ sở y tế, hãy thông báo rõ tình huống gặp phải và các bước sơ cứu của bạn cho y bác sĩ biết.

2. Đến bệnh viện/cơ sở y tế ngay lập tức để tiến hành xét nghiệm, điều trị dự phòng

Sau quy trình xử lý phơi nhiễm, trong vòng 24 giờ, chúng ta cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay lập tức để đánh giá về tình trạng nhiễm HIV và tiến hành các xét nghiệm, điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong trường hợp cần thiết. Quá trình này cơ bản sẽ diễn ra như sau:

- Đánh giá tình trạng nhiễm HIV; phạm vi, tần suất và thời gian có nguy cơ phơi nhiễm; nguồn lây nhiễm.

- Tư vấn trước xét nghiệm HIV.

- Tiến hành các xét nghiệm ban đầu như: HIV, viêm gan vi rút B, C; xét nghiệm đánh giá tình trạng mang thai; ngoài ra có thể xét nghiệm tình trạng HIV của người gây phơi nhiễm nếu chưa biết tình trạng nhiễm HIV; tiến hành điều trị dự phòng bằng thuốc ARV nếu thấy cần thiết.

T.H(th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ vụ 10 người dân bị kẻ lạ mặt tấn công, cần hiểu đúng để xử lý an toàn khi nghi ngờ phơi nhiễm HIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO