Từ vụ 3 trẻ thương vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột: Xử lý thế nào để kịp thời cứu mạng trẻ?

26/02/2022 09:42

PLBĐ - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa xảy ra sự việc 3 em nhỏ uống nhầm thuốc thuốc diệt chuột, khiến 1 em tử vong, 2 em còn lại đang cấp cứu tại bệnh viện. Vậy trước khi đưa đến bệnh viện, người thân cần làm gì để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân?

Đau lòng những vụ trẻ tử vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột

Đại diện UBND xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy sự việc đau lòng khi 3 anh em uống nhầm thuốc diệt chuột khiến bé gái út tử vong. Theo đó, vụ xảy ra vào chiều ngày 23/2 tại gia đình anh M.V.K (trú xóm 5, xã Nghi Phong). Vào thời điểm đó, 3 anh em ruột gồm: cháu M.A.D (11 tuổi), M.G.B (10 tuổi) và em út M.T.N (5 tuổi) đang chơi trước cổng nhà thì 3 cháu nhặt phải thuốc diệt chuột và uống.

Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa 3 cháu đến bệnh viện nhưng do chuyển biến nặng nên bé gái út đã không qua khỏi. Còn 2 anh lớn hiện đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Sau khi ghi nhận vụ việc, UBND huyện, xã đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ phần nào cho gia đình anh K. Hiện sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Từ vụ 3 trẻ thương vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột: Xử lý thế nào để kịp thời cứu mạng trẻ? - Ảnh 1.

Lọ thuốc diệt chuột. (Ảnh minh họa)

Vụ việc 3 trẻ thương vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột ở Nghệ An đang khiến dư luận không khỏi xót xa. Trước đó, ở nước ta cũng đã có không ít những trường hợp tương tự.

Cụ thể, vào ngày 26/2/2021, 2 bệnh nhi là bé L.H.P. (7 tuổi) và V.N.Đ.Q. (8 tuổi, cùng trú phường Phước Tân, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng co giật toàn thân, lơ mơ, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Theo lời kể của 1 trong 2 bé, trước khi xảy ra sự việc 2 em có đi chơi ngoài đường và nhặt được 2 chai nhựa có nước màu đỏ hồng bên trong. Vì nhìn tưởng là chai siro nên 2 em chia nhau uống. Sau đó, cả hai có dấu hiệu ngộ độc nặng.

Phát hiện sự việc, người nhà đã đưa các bé đến Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark và sau đó được đưa lên tuyến trên vì tình trạng quá nặng. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị ngộ độc của Bộ Y tế để cứu chữa cho các bé. Tuy nhiên, bé P. đã không thể qua khỏi vào rạng sáng 28/3/2021. 

Dựa vào 2 chai nhựa mà người nhà cung cấp, các bác sĩ xác định loại nước mà 2 bệnh nhi uống là thuốc diệt chuột do Trung Quốc sản xuất.

Trước đó, ngày 15/4/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiếp nhận 2 bệnh nhi uống nhầm thuốc diệt chuột. Các bệnh nhi là Đ.V.A (7 tuổi) và Đ.T.M (5 tuổi - là 2 anh em ruột, cùng trú tại phường Tân Hà, TP Tuyên Quang). 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì, gọi hỏi không biết, da xanh tái, lạnh. Mặc dù các y, bác sĩ đã hết sức tận tình cứu chữa nhưng do tình trạng nguy kịch, 1 bệnh nhi đã tử vong. 

Theo gia đình các bệnh nhi, cha mẹ 2 bé gửi con sang nhà ông bà trông nom trong thời gian cả hai nghỉ học tránh dịch. Trước khi nhập viện 30 phút, gia đình phát hiện 2 bé nôn nhiều, mệt…, hỏi mới biết các bé đã tự bắc ghế lên để lấy lọ nước màu đỏ (dùng để diệt chuột) trên thành cửa sổ uống. Ngay sau đó, gia đình đã tức tốc đưa các bé đến bệnh viện cấp cứu.

Sơ cứu thế nào khi trẻ ăn, uống nhầm thuốc diệt chuột?

Theo các bác sĩ, các loại thuốc chuột trên thị trường hiện nay hầu hết có chất độc warfarin. Chất độc này gây xuất huyết khi sử dụng quá liều như xuất huyết chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ… thậm chí là ngộ độc tuần hoàn, thần kinh và tổn thương hô hấp và tử vong.

Khi phát hiện trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột, người nhà cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Cần mang theo viên thuốc hoặc vỏ thuốc để các bác sĩ có thể nhanh chóng xác định loại thuốc mà người bệnh uống nhầm. 

Các bác sĩ nhấn mạnh, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm trước 6 giờ kể từ khi ăn, uống nhầm thuốc diệt chuột. Lúc này, các bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài.

Kể cả khi ra viện, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ y lệnh thuốc và tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Vì thuốc diệt chuột có tác dụng rất dài, không phải khi bệnh nhân ra viện mà xem như đã hết tác dụng của thuốc. Nếu có các dấu hiệu như chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, đi ngoài ra máu… người bệnh cần được đưa vào viện ngay. 

Để phòng ngộ độc cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý để các loại hóa chất nói chung và thuốc diệt chuột nói riêng ở nơi riêng biệt, cách xa nguồn thức ăn, xa tầm tay trẻ em. Tuyệt đối không đựng thuốc, hoá chất vào các chai lọ không nhãn mác, các chai lọ giống chai nước ngọt, đồ ăn… Kể cả với người lớn trong gia đình cũng cần chú ý ghi rõ bên ngoài tên các loại thuốc sâu, thuốc diệt chuột, thuốc diệt muỗi… để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. 

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ vụ 3 trẻ thương vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột: Xử lý thế nào để kịp thời cứu mạng trẻ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO