PLBĐ - Vụ việc 6 người trong một gia đình tử vong ở Bình Dương nghi do ngạt khí máy phát điện đang khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Trước đó, ở nước ta cũng đã xảy ra không ít những vụ tai nạn thương tâm từ việc sử dụng máy phát điện không đúng cách.
Nhiều cái chết thương tâm do ngạt khí máy phát điện
Công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra vụ 6 người trong một gia đình tử vong bất thường tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát).
Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân gây ra vụ việc thương tâm là do nghi ngạt khí CO2. Cụ thể, do mất điện, gia đình đóng kín cửa để sử dụng máy phát điện. Khí CO2 hút vào máy lạnh nên có thể xảy ra vụ việc thương tâm trên.
Danh tính các nạn nhân gồm: L.Q.P. (47 tuổi), Đ.T.T. (37 tuổi), L.B.K. (7 tuổi), L.Q.T. (2 tuổi), Đ.N.M.L. (15 tuổi), H.T.D. (15 tuổi). Tại hiện trường, lực lượng chức năng chưa phát hiện dấu hiệu ẩu đả và hình sự.
Trước đó, khoảng 12h ngày 24/7, một người đồng nghiệp làm chung với anh L.Q.P. đã gọi điện rất nhiều lần nhưng anh P. không bắt máy. Đồng nghiệp này đã tới nhà anh P. gọi nhưng không ai mở. Nghi có chuyện chẳng lành, nên đồng nghiệp đã đập cửa trước vào nhà phát hiện 6 người tử vong trong nhà.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng lập tức có mặt tại hiện trường. Ban đầu, xác định trong nhà có 6 người, bên cạnh có một máy phát điện. Thi thể 6 nạn nhân hiện đã được đưa đi khám nghiệm tử thi.
Trước vụ việc ở Bình Dương, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra rất nhiều vụ tử vong thương tâm do sử dụng máy phát điện không đúng cách. Cụ thể, trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên) cũng đã xảy ra vụ 3 người trong một gia đình thương vong, nghi do ngạt khí khi sử dụng phát máy điện. Theo đó, vào đêm 31/3 vừa qua, do mất điện, chị Trần Thị M. (SN 1976, ở thôn Mỹ Long, xã An Dân, huyện Tuy An) nhờ em rể là Hồ Ngọc Hòa nổ máy phát điện để sục khí hồ nuôi chình. Trong quá trình máy phát điện hoạt động, trong nhà có 3 người gồm chị M., bà Phạm Thị H. (SN 1950, mẹ của chị M.), Trần Đặng Đức H. (SN 2009, con trai chị M.) nằm ngủ trong nhà có máy phát điện.
Đến khoảng 5h30 phút ngày 1/4, ông Hồ Ngọc Hòa đến nhà chị M. để tắt máy phát điện, đã phát hiện 3 người trong nhà đã nằm bất động. Cả 3 người sau đó được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tuy An cấp cứu. Tuy nhiên, cháu Trần Đặng Đức H. đã tử vong.
Trước đó vào năm 2020, trường hợp 2 mẹ con tại Ninh Bình bị ngạt khí máy phát điện trong đêm dẫn đến tử vong thương tâm cũng đã khiến xã hội bàng hoàng. Nạn nhân được xác định là chị B.T.T. (SN 1993, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và cháu N.T.P. (SN 2019, con trai chị T.). Kết quả khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Gia Viễn xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc hai mẹ con tử vong là do ngạt khí máy phát điện trong phòng kín.
Vào tháng 6/2019, tại quận Thủ Đức (TP. HCM) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Do bị mất điện, ông L.V.M.H. (ở phường Hiệp Bình Phước) đã mượn máy phát điện về nhà sử dụng. Sau 1 đêm, khi quay về nhà gọi cửa mấy lần nhưng cũng chỉ có một người cháu trai 5 tuổi đi ra mở cửa với biểu hiện bất thường, mệt mỏi. Ông H. đi vào nhà kiểm tra thì phát hiện vợ mình là bà Trần Thị P. và 6 người cháu ngủ mê man, có biểu hiện hôn mê sâu. Ngay lập tức, 7 người này đã được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, cháu ngoại ông H. là L.T.B.T. (8 tuổi) không may đã tử vong.
Còn tại Hà Nội, vụ 6 người thương vong ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) do ngạt khí máy phát điện vào tháng 9/2016 vẫn khiến dư luận bàng hoàng. 6 công nhân trong một căn nhà được phát hiện khi đã bất tỉnh. Dù đã được đưa đi cấp cứu, song 3 người đã tử vong trong quá trình cấp cứu, 1 người tử vong sau đó, 2 người còn lại rơi vào tình trạng hôn mê. 6 người này đều là công nhân làm thuê cho một cửa hàng quần áo tại chợ vải Ninh Hiệp, do mất điện nên đã dùng máy nổ phát điện để ngủ nên bị ngạt khí.
Sử dụng máy phát điện an toàn
Máy phát điện có thể là nguồn năng lượng hiệu quả khi tình trạng mất điện xảy ra. Tuy nhiên, máy phát điện chạy bằng xăng hoặc bằng dầu chứa rất nhiều khí độc hại như CO và CO2. Đây là nguyên nhân chính gây ra ngạt khí có thể dẫn đến tử vong.
Giới chuyên gia phân tích, khí CO khi hít phải sẽ liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu, không cho máu chở khí oxy tới tế bào. Nếu khí CO2 quá cao sẽ gây ngạt thở, khiến nạn nhân hôn mê và tử vong.
Khí CO là chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Chính vì vậy, nó đặc biệt nguy hiểm bởi nạn nhân không nhận biết trước được. Khi bị ngộ độc thường khó phát hiện, đến khi người bệnh nhận biết được mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa.
Trong môi trường thiếu không khí, CO ngăn cản quá trình vận chuyển oxy lên não, gây tổn hại hệ thần kinh, tim mạch của nạn nhân. Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy lâu nhẹ có thể ảnh hưởng đến tri giác do não bị tổn thương, nặng hơn sẽ dẫn đến hôn mê và có thể tử vong.
Hiện tại, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều nơi lại thường xuyên mất điện, nên nhiều gia đình đã trang bị máy phát điện. Tuy nhiên, nếu máy phát điện cũ, kém chất lượng thì lượng khí xả rất lớn, vì nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn và chỗ còn thừa sẽ trở thành khí độc. Vì vậy, khi mua máy phát điện, các gia đình nên chọn loại có hiệu suất biến đổi năng lượng cao để tiêu thụ tốt số xăng, dầu đưa vào, biến nó thành điện thay vì khí thải độc hại.
Để sử dụng máy phát điện an toàn, hiệu quả chuyên gia khuyến cáo: Không được sử dụng máy phát điện cơ động trong gara, nhà để xe, tầng hầm, gầm sàn hoặc ở một nơi khép kín hoặc khép kín một phần, ngay cả khi có thông gió.
Không để máy phát điện hoạt động quá tải, nếu các thiết bị điện tiêu thụ điện năng cao hơn so với lượng điện máy phát điện sản xuất có thể gây ra các tình trạng cháy, nổ cầu trì, hoặc có thể tệ hơn.
Hãy tắt máy phát điện và để nguội trước khi tiếp nhiên liệu. Xăng, dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể bốc cháy.
Cách cấp cứu kịp thời người bị ngạt khí CO
Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có 4 phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.
Trong trường hợp có nhân viên y tế: Cho nạn nhân thở mặt nạ oxy liều cao, đặt nội khí quản trợ thở, dùng thuốc ức chế cạnh tranh... Nếu không có nhân viên y tế, cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự sau: Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu. Gọi thêm người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân đồng thời gọi cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay.
Cách hà hơi thổi ngạt: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu nạn nhân ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Khi chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.
T.H (th)