Từ vụ bé gái nguy kịch do uống nhầm xăng, cha mẹ cần lưu ý những điều này để bảo vệ con

12/10/2022 15:41

PLBĐ - Trẻ uống nhầm xăng là một tình huống ngộ độc không hiếm gặp và có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc nếu không xử trí kịp thời. Mới đây nhất, một bé gái 2 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm chai xăng trong tủ lạnh.

Ngày 11/10, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. HCM) cho biết, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhi bị viêm phổi rất nặng. Bệnh nhi là bé gái 2 tuổi (quê Khánh Hòa) được bệnh viện tỉnh Khánh Hòa chuyển đến với chẩn đoán uống nhầm xăng.

Gia đình bé gái cho biết, trước đó người thân của bé chiết xăng ra chai nước ngọt để sử dụng khi cần. Tuy nhiên, do nhầm lẫn nên người nhà đã cất chai xăng vào ngăn mát của tủ lạnh. Trong lúc khát nước, bé gái mở tủ lấy uống thì bị ho sặc sụa, tím tái.

Khi phát hiện bé uống nhầm xăng, người nhà đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch do viêm phổi nặng. Sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhi đã phải chuyển vào khoa Hồi sức Cấp cứu thở máy liên tục, hiện vẫn trong tình trạng nặng.

Được biết, việc trẻ uống nhầm xăng là một tình huống ngộ độc không hiếm gặp và có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc nếu không xử trí kịp thời. BS CK2 Vũ Hiệp Phát - trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 cho biết, hằng năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhi uống nhầm hóa chất, nhất là xăng đựng trong các chai lọ. 

Từ vụ gái nguy kịch do uống nhầm xăng, để bảo vệ con cha mẹ cần biết điều này - Ảnh 1.

Một bệnh nhi viêm phổi nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Trước đó, ngày 15/9/2020, bé gái bé gái tên Đ.T.L. (1 tuổi, trú tại thôn Thọ Tân, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu trong tình trạng tím tái toàn thân do uống nhầm xăng. Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, bé đã tử vong trưa cùng ngày.

Ở Quảng Nam cũng xảy ra trường hợp tương tự. Cụ thể, trưa ngày 21/7/2019, bé P.H.V. (3 tuổi, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng tím môi, ho và ngất do uống nhầm xăng. Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã cho thở oxy và chuyển khoa Nhi để điều trị hồi sức. Sau 5 ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng sức khỏe của bé đã được cải thiện. 

Uống nhầm xăng có nguy hiểm không?

Trong xăng có chứa 2 chất hydrocacbon là metan và benzen. Hydrocacbon là chất hữu cơ nguy hiểm cho con người, cấu tạo từ hydro và cacbon. Hydrocacbon là nguyên nhân chính khiến xăng trở thành chất độc.

Phần lớn các trường hợp uống phải xăng là do vô tình. Xăng khi vào cơ thể có khả năng phá hủy vĩnh viễn các cơ quan nội tạng quan trọng, thậm chí gây tử vong. Người uống nhầm xăng sẽ có những biểu hiện có điểm giống và cũng có điểm khác biệt riêng so với các loại ngộ độc thông thường khác. Cụ thể:

- Ho sặc, ngạt thở, nôn ói: Ngay sau khi uống nhầm phải một lượng xăng, người bệnh sẽ có những triệu chứng này. Sở dĩ có triệu chứng trên là do đặc tính dễ bay hơi kèm theo sức căng bề mặt thấp nên chúng dễ dàng lan rộng gây kích thích niêm mạc.

- Suy hô hấp nặng: Xăng khi vào phổi sẽ gây hủy hoại biểu mô hô hấp, các vách phế nang, mao mạch phổi cũng như gây tổn thương chất hoạt diện surfactant lót trong lòng phế nang. Bệnh nhân sẽ thiếu oxy trầm trọng với nguy cơ tử vong cao.

- Co giật, kích thích và hôn mê: Xăng dầu tác động trực tiếp vào các tế bào não nếu được hấp thu từ phổi và niêm mạc ruột đi vào máu rồi lên não.

- Đau bụng, buồn nôn và tức ngực.

- Bỏng thực quản.

- Suy đa tạng.

Những việc cần làm khi trẻ không may uống nhầm xăng

- Ở cạnh trấn an trẻ. 

- Liên lạc với trung tâm y tế hoặc trung tâm chống độc: Nếu trẻ lâm vào tình trạng khó thở, ho, lơ mơ, buồn nôn, nôn hoặc bất cứ dấu hiệu nghiêm trọng nào hãy gọi ngay cho trung tâm y tế hoặc cấp cứu 115 và thuật lại tình huống.

- Theo dõi tình trạng của trẻ: Nếu trẻ còn tỉnh táo, hãy trấn an trẻ và không khuyến khích nôn ra. Nếu trẻ nôn, hãy giúp trẻ nghiêng về phía trước hoặc quay đầu sang bên để đề phòng bị nghẹn hoặc hít vào.

- Cho uống nước nếu trẻ có thể uống được, đồng thời cởi bỏ quần áo dính xăng và rửa sạch xăng khỏi người.

- Nếu trẻ ngừng thở, ngừng ho, ngừng cử động, không phản ứng, bạn cần thực hiện kỹ thuật CPR ngay lập tức: Đặt trẻ nằm ngửa và bắt đầu ấn ngực. Mỗi lần ấn, cần ấn vào giữa ngực nạn nhân xuống khoảng 5 cm hoặc 1/3 đến 1/2 độ dày của ngực. Ấn nhanh 30 lần với tốc độ khoảng 100 lần một phút. Sau đó ngả đầu nạn nhân ra sau và nâng cằm họ lên. Bóp mũi nạn nhân và thổi vào miệng họ đến khi thấy ngực của nạn nhân nhô lên. Thổi 2 hơi, mỗi hơi dài khoảng 1 giây, sau đó tiếp tục ấn ngực. Lặp lại chu kỳ 30 lần ấn ngực và hai lần thở cho đến khi nạn nhân hồi lại hoặc cấp cứu đến.

Những việc không nên làm khi phát hiện trẻ uống nhầm xăng

- Khi phát hiện trẻ đang uống xăng, người nhà nên bình tĩnh không la toáng, không nên vội hất mạnh chai nước vì như thế trẻ sẽ giật mình, khóc thét dẫn đến hít sặc.

- Không cố móc họng để nôn ói chất độc ra khỏi cơ thể: Mọi người thường nghĩ rằng phải móc họng gây nôn cho người uống nhầm xăng để có thể loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể nhanh nhất. Sự thật là việc làm này sẽ giúp hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào hệ thống hô hấp cũng như các sắc chất của dịch nôn đi vào đường thở gây hậu quả nguy hiểm hơn.

- Không uống chanh hay nặn chanh: Cách này không có tác dụng gì, chanh làm kích thích dạ dày khiến trẻ dễ nôn ói, gây hít sặc viêm phổi hít và làm chậm trễ việc cấp cứu.

Phòng tránh uống nhầm xăng

Để phòng tránh những tình huống không đáng có cho người thân trong gia đình đặc biệt là trẻ em, chúng ta cần phải:

- Để xăng xa tầm tay của trẻ. Những chất có độc tính cao như các hóa chất diệt côn trùng, dung môi pha sơn… cần để những hộp riêng, có khóa, không để ở tầm với của trẻ.

- Không đựng xăng vào các vỏ chai vốn đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn.

- Không nên để trẻ tự chơi một mình nên có người lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ vụ bé gái nguy kịch do uống nhầm xăng, cha mẹ cần lưu ý những điều này để bảo vệ con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO