PLBĐ - Vụ việc nam sinh lớp 1 ở Hà Nội tử vong thương tâm vì bị bỏ quên trên xe ô tô đang nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra do ở lâu trên xe, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để đối phó kịp thời với những tình huống xấu.
Trẻ có thể tử vong vì bị ngạt
Như báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 16h30 ngày 6/8/2019, bé trai L.H.L., học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tử vong thương tâm vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của nhà trường đã khiến rất nhiều người đau xót xen lẫn hoang mang, lo lắng.
Dù chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến tử vong nhưng khả năng do ngạt trên xe ô tô đóng kín cửa hoàn toàn cũng có thể xảy ra.
Liên quan đến vụ việc bé trai 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của nhà trường ở Hà Nội, chia sẻ với Tri thức trực tuyến, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, phân tích sóng tuyến trên ô tô rất nguy hiểm, ngay cả người lớn nếu ở một mình trong xe cũng sẽ khó chịu đựng được. Vì vậy, có thể bé trai đã tử vong do bị ngạt vì không có dưỡng khí để thở.
Hơn nữa, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa, môi trường trong xe nguy hiểm như hội chứng nhà kính. Không có sự trao đổi không khí, cộng thêm thời tiết nóng bức bên ngoài sẽ khiến trẻ tử vong nhanh chóng.
“Thời gian bé trai này tử vong còn phải tùy thuộc vào độ rộng của xe, xe có đóng kín của hay không, bé có đang ngủ trước đó hay không. Nếu bé đang ngủ, khả năng tử vong rất nhanh”, bác sĩ Khanh nói.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích khí thải của ống khói hở tạo cơ hội cho khí CO và CO2 tràn vào bên trong ô tô, khiến nạn nhân bị ngạt, dẫn tới tử vong.
CO là khí không mùi, không màu, cướp mất oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân ngạt thở, hôn mê và tử vong. Đặc biệt, các loại khí này không gây đau đớn, khiến nạn nhân tử vong nhanh, nhưng êm dịu như một giấc ngủ sâu.
Theo ông Côn, trong không gian kín, các loại khí thải từ ô tô, xe máy và động cơ đốt trong, chạy bằng xăng dầu đều rất nguy hiểm. Chúng nhanh chóng đốt cháy oxy, đồng thời nhả CO2, đạt đến mức độ nhất định sẽ gây ngạt.
Nếu nồng độ này lên tới ngưỡng gấp đôi bình thường, nạn nhân có biểu hiện choáng, khó thở. Đặc biệt, nếu lượng CO2 ngay lập tức làm đầy trong xe có thể gây chết người chỉ trong 2-3 phút.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, giảng viên Học viện Quân y Hà Nội, cho hay chưa thể khẳng định nguyên nhân cụ thể gây ra tử vong cho cháu bé. Tuy nhiên, khi đóng cửa ô tô, mức oxy bên trong xe sẽ giảm. Ngược lại, sự tích tụ khí carbon monoxide (CO) do rò rỉ khí thải sẽ tăng lên. Đây là một khí rất độc với máu. Gia tăng nồng độ CO trong xe sẽ làm giảm lượng O2 đi vào máu, dẫn đến cơ thể bị sốc hoặc đột ngột tử vong.
Theo TS.BS Phạm Như Học, Phó khoa Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, tùy theo ô tô to hay nhỏ sẽ gây ngạt khí khác nhau. Nếu ô tô thiếu oxy, một đứa trẻ sẽ không sống sót quá 5 phút.
Hiểm nguy chết người khi bị "bỏ quên" trong ô tô khóa kín
Vụ việc đau lòng vừa xảy ra với nam sinh lớp 1 ở Hà Nội không phải là trường hợp hiếm hoi tử vong thương tâm trong xe ô tô.
Cách đây vài năm, vào ngày 8/7/2015 ở tỉnh Tây Ninh, cũng xảy ra vụ việc đau lòng khiến 2 đứa trẻ bị chết ngạt khi chui vào trong cốp xe ô tô mải nghịch mà người lớn không hay biết.
Với người lớn, gần đây nhất là vụ một giám đốc doanh nghiệp ở Hải Phòng bị ngạt dẫn đến tử vong trong xe sedan 5 chỗ hôm 19/9/2018, sau khi khóa cửa xe mở điều hòa rồi nằm ngủ quên.
Mỗi năm, trung bình có tới 40 trẻ em thiệt mạng vì bị “bỏ quên” trong những chiếc xe đỗ trong thời tiết nắng nóng, oi ả. Đó là con số thống kê tính riêng tại nước Mỹ khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình.
Trong những vụ việc đó, có những trường hợp là do bố mẹ để quên con trên xe mà không hề hay biết. Có những trường hợp là do bố mẹ cố tình bỏ con trên xe để đi giải quyết công việc của mình mà khi quay trở lại thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Những tai nạn ngạt khí trên xe ô tô, đặc biệt là các vụ làm trẻ em thương vong đều vô cùng đau lòng bởi hoàn toàn có thể tránh được điều đáng tiếc, nếu như người lớn cẩn trọng, có trách nhiệm với công việc của mình.
Các dấu hiệu nhận biết cơ thể đã bị ngạt khí
Khi phát hiện nạn nhân bị ngộ độc khí CO trên ô tô cần phải nhanh chóng mở cửa xe và đồng thời đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và đưa đi cấp cứu vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong là khá cao.
Trường hợp nạn nhân thở yếu, ngừng thở: Phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.
Trường hợp nạn nhân không không còn tỉnh, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.
Làm gì để tránh nguy cơ bị ngộ độc khí CO khi ở bên trong ô tô
Khi ở trong ô tô lâu thì nên chọn nơi thoáng đãng không khí lưu thông tốt. Đặc biệt tránh đỗ xe trong không gian chật hẹp, bí khí bởi trong trường hợp này ngay cả mở hết cửa xe bạn vẫn có thể bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.
Bước tiếp theo là bật điều hòa trong trường hợp cần thiết, chọn chế độ lấy gió ngoài hoặc tự động trên xe hơi đời mới. Chỉnh hệ thống gió điều hòa tránh thổi thẳng vào mặt dễ cảm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bước quan trọng nhất chính là khóa cửa và hạ kính cửa bên xuống khoảng 1,25 - 1,5 cm để không khí vẫn đảm bảo lưu thông mà không quá ảnh hưởng tới việc làm mát của hệ thống điều hòa. Công đoạn này giúp bạn tránh được rủi ro khi động cơ tắt máy đột ngột, hệ thống điều hòa trong xe hỏng…
Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể đặt báo thức sau mỗi giờ, việc này khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhưng nó giúp bạn kiểm soát tình huống tốt hơn bởi ngủ trong xe hơi chưa bao giờ là an toàn.
Đặc biệt, người lớn cần phải quan tâm, chú ý đến trẻ hơn, không được để lại mình bé trên ô tô. Trước khi rời khỏi xe, nên kiểm tra lại trong xe để tránh để quên trẻ hay đánh rơi đồ vật gì dễ gây cháy nổ.
T.H (th)