GĐXH - Theo dược sĩ, một số điểm để nhận biết thuốc điều trị đau mắt đỏ thật và giả như kích thước lọ thuốc, chiều cao lọ thuốc, màu sắc và độ sắc nét chữ trên nhãn…
Ngày 28/9, phản ánh tới Chuyên trang Gia đình & Xã hội, chị Nguyễn Thị M (32 tuổi, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết, chị và gia đình cảm thấy may mắn vì sau gần 1 tuần tự ý sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ không khỏi, chị đã đến Bệnh viện Mắt Hà Đông để khám và được kê thuốc điều trị phù hợp.
Chị M cho biết, vào cuối tháng 8/2023, chị có các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ như ngứa mắt, đỏ mắt, hay chảy nước mắt… Sau 2 ngày có biểu hiện, chị đã đến hiệu thuốc gần nhà để được tư vấn và mua thuốc.
Chị M cho biết, chị được "dược sĩ" gần nhà tư vấn và kê thuốc Tobrex 5ml có thành phần kháng sinh, với tác dụng điều trị các triệu chứng đau mắt đỏ.
Tuy nhiên, thay vì đạt được kết quả như kỳ vọng, các biểu hiện khó chịu vùng mắt của chị M lại tăng thêm.
Sau gần 1 tuần không khỏi, chị M đã quyết định tới Bệnh viện Mắt Hà Đông để thăm khám thì mới tá hỏa là mình bị viêm giác mạc chứ không phải viêm kết mạc các "dược sĩ" gần nhà chẩn đoán tại hiệu thuốc.
Chị M cho biết: "Khi được bác sĩ chẩn đoán là viêm giác mạc và tra lịch sử sử dụng thuốc, tôi đã được kê lại đơn thuốc với 4 loại thuốc nhỏ mắt khác nhau để làm giảm và chấm dứt triệu chứng khó chịu. Chỉ sau 1 ngày sử dụng đúng thuốc, các biểu hiện ở vùng mắt của tôi giảm rõ rệt và khoảng gần 1 tuần sử dụng. Tôi đã khỏi viêm giác mạc".
"Nếu cố dùng thêm thuốc nhỏ mắt tự ý mua, không biết mắt tôi sẽ thành ra như thế nào", chị M cho hay.
Bằng kinh nghiệm điều trị các triệu chứng đau mắt đỏ, chị M cho rằng, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc không theo đơn hoặc tin lời "bắt bệnh" của "dược sĩ" ở nhà thuốc. Bởi việc làm này, người bệnh sử dụng thuốc không đúng chủng vi khuẩn, virus mà người bệnh dễ dàng mua phải thuốc giả.
Khi có biển hiện đau mắt đỏ, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm dịch tiết để xác định nguyên nhân gây bệnh, chủng virus gây bệnh để từ đó, có lộ trình sử dụng thuốc kê từ bác sĩ phù hợp, đúng bệnh.
Tobrex là một loại kháng sinh được điều chế theo dạng dung dịch nhỏ và mỡ tra mắt, dùng để điều trị tại chỗ các nhiễm trùng ở phần trước mắt.
Dung dịch nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt Tobrex chỉ dùng điều trị cho những trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với tobramycin gây ra.
Trước tình trạng ca bệnh đau mắt đỏ gia tăng, Dược sĩ Lê Quốc Huy – quầy thuốc Dũng Hà đã chia sẻ hình ảnh về thuốc điều trị đau mắt đỏ Tobrex giả.
Theo Dược sĩ, bằng mắt thường rất khó để nhận biết thuốc Tobrex giả - thật.
Chỉ khi đặt 2 lọ thuốc ở cạnh nhau và quan sát tỉ mỉ, mới có thể nhận ra hàng thật – giả. Với hàng thật, lọ thuốc Tobrex thật cao hơn so với lọ thuốc giả và có kích thước bề ngang lớn hơn.
Ngoài ra, thuốc điều trị mắt đỏ Tobrex thật có chữ in trên nhãn mờ hơn, đặc biệt phần in về ngày sản xuất, lô sản xuất, hạn sử dụng… so với phiên bản giả.
Theo PGS, TS.BS Trần An - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên khiến mắt sưng viêm, nổi mạch máu đỏ và cộm rát.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mắt đỏ, bệnh có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, đau mắt đỏ thường có xu hướng tăng cao và có thể lan nhanh thành dịch trong giai đoạn từ tháng 8 - 10 hàng năm.
Những loại trái cây bà bầu nên hạn chế ăn để giúp con khoẻ, mẹ khoẻ