Từng trải qua “ngàn chông gai”, chuyên gia nhận định về chu kì mới của bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng

Hạ Vy 27/08/2024 08:12

Vốn được xem là “anh cả” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng miền Trung, Đà Nẵng luôn là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Với codotel, loại hình này kì vọng “tái sinh” trong chu kì phát triển mới của bất động sản, liệu có thành hiện thực?

Cơ hội nào cho condotel Đà Nẵng, góc nhìn người trong cuộc

Mới đây, tại tọa đàm “Đà Nẵng - Khai phóng tiềm năng, nâng tầm quốc tế” do Bất động sản Bản Việt – VCRE, Nobu Danang và CBRE đồng tổ chức, Thạc sĩ Trịnh Tuấn Bảo, đại diện Sở Du lịch Tp.Đà Nẵng cho biết, trong 6 năm gần đây, du lịch là điểm sáng nổi trội của phát triển kinh tế Đà Nẵng.

Ngoài việc tập trung vào các nguồn lực con người, đất đai và hạ tầng đô thị, môi trường kinh doanh cũng là động lực chủ yếu để nâng tầm vị thế thành phố Đà Nẵng. “Đà Nẵng tự tin về hạ tầng cơ sở lưu trú du lịch với chất lượng cao, thu hút mạnh mẽ các thương hiệu khách sạn nổi tiếng hàng đầu trên thế giới", vị này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, du lịch Đà Nẵng đang ưu tiên phân khúc cao cấp, một số thương hiệu vận hành quốc tế đã đổ bộ thành phố này. Vì thế, dư địa tăng trưởng còn lớn nếu so sánh Đà Nẵng với những thị trường gần gũi Việt Nam nhưng lâu đời hơn như Phuket (Thái Lan).

Hiện các căn hộ có thương hiệu ở Phuket có giá trung bình khoảng 200.000 THB (tương đương 6.100 USD ) mỗi m2. Trong khi đó tại Đà Nẵng, căn hộ có thương hiệu quốc tế có giá trung bình chỉ từ hơn 4.000 USD /m2, chưa kể chính sách ưu đãi từ phía chủ đầu tư.

Từng trải qua “ngàn chông gai”, chuyên gia nhận định về chu kì mới của bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng- Ảnh 1.
Nhiều tín hiệu đáng kỳ vọng vào sự trở lại của bất động sản Đà Nẵng trong thời gian tới.

Vị này cho rằng, giá bất động sản Đà Nẵng khá ổn định trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Đặt trong bối cảnh Quốc hội đã biểu quyết thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Đà Nẵng; 3 bộ Luật quan trọng liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024; chương trình kích cầu du lịch… thì cơ hội gia tăng về giá lẫn nguồn cung nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vẫn "rộng cửa".

Ông Đính phân tích, câu chuyện thành công của Phuket, từ nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch thành một cường quốc bất động sản có thương hiệu, cũng là một trường hợp thú vị để Đà Nẵng tham khảo cho giai đoạn tiếp theo. “Hiện tại, quỹ đất trung tâm của Đà Nẵng đang dần cạn kiệt sẽ tạo ra dư địa tăng giá tốt cho nhà đầu tư, nếu nhìn về dài hạn”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, mặt thay đổi tích cực nhất của bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, Đà Nẵng nói riêng chính là việc cải thiện pháp lý, cấp giấy chứng nhận thông qua các hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, minh bạch.

Cụ thể, Nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ đã cho phép cấp sổ hồng đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel), officetel, biệt thự du lịch... hình thành trên đất thương mại, dịch vụ. Theo đó, condotel được kỳ vọng mở ra một chương phát triển mới. Loại hình này không chỉ thỏa mãn nhu cầu tận hưởng cuộc sống của chính khách hàng, mà còn là nguồn thu ổn định từ nhu cầu nghỉ dưỡng của số đông.

Đại diện VCRE, đơn vị đang hợp tác cùng thương hiệu Nobu Hospitality cho dự án bất động sản hàng hiệu ngay mặt tiền biển Mỹ Khê cho rằng, sản phẩm condotel khẳng định giá trị khi trở thành giải pháp đầu tư khi đặt trong một quần thể trải nghiệm, tích hợp tiện ích, đa chức năng, nâng tầm trải nghiệm.

Đơn vị này cũng chỉ ra, số lượng giới hạn cũng là một lời giải của chủ đầu tư cho bài toán khai thác dòng lợi nhuận, khả năng gia tăng và giữ vững giá trị trong trung và dài hạn. Bởi thực tế, nếu số lượng căn hộ quá lớn, không chỉ công suất cho thuê mà lãi vốn, tính thanh khoản đều gặp khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi “còn cơ hội nào cho condotel Đà Nẵng?” được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Theo phân tích của các chuyên gia, do thiên về đầu tư dòng tiền, bản chất của condotel là một hình thái đón đầu xu thế và phải có tầm nhìn dài hạn. Nhiều người tin tưởng rằng, một khi “chốt chặn” pháp lý cuối cùng về việc chứng nhận sở hữu được hợp thức hóa thì condotel sẽ có cơ hội trở lại. Thậm chí, tầm nhìn 10-20 năm, giá trị của condotel có thể trở thành câu chuyện khác trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư.

Sẵn nhiều bệ đỡ nhưng chẳng ít “chông gai"

Đầu tiên phải kể đến bệ đỡ về du lịch. Theo Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ tại Đà Nẵng đạt 5,1 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, tăng 40,3%; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7%. Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 22,2%; doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 14,6%...

Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có nhiều kì vọng chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.

Từng trải qua “ngàn chông gai”, chuyên gia nhận định về chu kì mới của bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng- Ảnh 2.

Bệ đỡ thứ hai là mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Đà Nẵng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Tại cuộc họp ngày 25/8, UBND Tp.Đà Nẵng cho biết vào ngày 31/8 TP sẽ tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết số 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu trung ương, địa phương, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp…

Trong đó, danh mục đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa có quy mô vốn đầu tư từ 8.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỉ đồng trở lên…là những điểm trọng tâm.

Tuy vậy, xét ở góc độ bất động sản nghỉ dưỡng, Đà Nẵng cần thêm thời gian để lấy lại nội lực đi lên. Mặc dù ngành du lịch Đà Nẵng đang ghi nhận tín hiệu khởi sắc, song việc nhiều dự án vướng sai phạm, thi công chậm tiến độ, niềm tin của nhà đầu tư bị "bào mòn" sau vụ cam kết của CocoBay... đã ảnh hưởng  đến thanh khoản thị trường suốt thời gian qua.

Nhìn về dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng có tiềm năng phát triển nhưng trong ngắn hạn, nơi đây khó có điểm đột phá về sức cầu. Trong hành trình của thị trường bất động sản, phân khúc nghỉ dưỡng vẫn phải "lấy sức" nhiều hơn để có thể bắt kịp với đường đua ở chu kì mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từng trải qua “ngàn chông gai”, chuyên gia nhận định về chu kì mới của bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO