GĐXH – Sau khi giải phẫu bệnh, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân có khối viêm xơ hoá, thoái hoá giả u thận do dị vật – là gạc phẫu thuật còn sót trong ổ bụng bệnh nhân sau phẫu thuật 14 năm trước.
Ngày 26/6, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, mới đây, đơn vị này đã tiếp nhận một trường hợp u thận giả do dị vật trong ổ bụng sau phẫu thuật.
Theo đó, bệnh nhân nữ (66 tuổi) được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với chẩn đoán u thận trái. Tại đây, bệnh nhân được tiến hành kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ, chẩn đoán trước mổ hướng đến khối u thận, sỏi đài bể thận tái phát sau mổ lấy sỏi 14 năm trước.
Theo lời kể của bệnh nhân, bà có tiền sử phẫu thuật lấy sỏi thận trái cách đây 14 năm theo phương pháp mổ mở. Lúc đầu bệnh nhân phẫu thuật nội soi nhưng gặp khó khăn khi tiến hành lấy sỏi nên được chuyển sang mổ mở. Trong suốt thời gian sau mổ lấy sỏi thận lần đầu, sức khoẻ bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt.
Thời gian gần đây, bệnh nhân đi kiểm tra sức khoẻ ở tuyến trước phát hiện có khối u thận trái. Trên chẩn đoán hình ảnh phát hiện khối u ở cực trên thận, khối hỗn hợp, kích thước 30 x 35 mm, đẩy lồi bao thận, đài bể thận giữa, bể thận và các nhóm có vài viên sỏi, viên lớn nhất kích thước 23 mm.
Phân biệt tuỷ vỏ rõ. Niệu quản có đường kính 7mm, đoạn nối bể thận - niệu quản trái có sỏi kích thước 9 x 6 mm. Bệnh nhân chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ chẩn đoán trước mổ: u thận/sỏi đài bể thận tái phát.
Tại đây, bệnh nhân đã được phẫu thuật gỡ dính, cắt thận lấy khối giả u và sỏi thận. Ca phẫu thuật tiến hành trong vài giờ do gỡ dính phức tạp, cắt thận trái và một đoạn niệu quản.
Đánh giá đại thể trên giải phẫu bệnh thấy, phía ngoại vi cực trên thận có khối 3,5cm, ranh giới rõ với thận, đè đẩy vào nhu mô thận, mặt cắt khối u màu vàng, chính giữa mủn, trắng, có chứa dị vật là các đoạn chỉ, sợi ngắn màu trắng như gạc.
Kết quả giải phẫu bệnh: Khối viêm xơ hoá, thoái hoá giả u thận do dị vật – là gạc phẫu thuật còn sót trong ổ bụng bệnh nhân sau phẫu thuật 14 năm trước.
Các bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp hy hữu, bệnh cảnh rất hiếm gặp và gây khó khăn trên đánh giá chẩn đoán hình ảnh, đưa ra chẩn đoán không chính xác trước phẫu thuật.
TS Nguyễn Việt Hải, Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu trên, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, trong trường hợp này, gạc đã không được phát hiện trong thời gian 14 năm, thậm chí bệnh nhân đã được xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cũng không chẩn đoán chính xác.
Với những trường hợp bệnh nhân có sỏi thận đã được lấy sỏi thì cũng dễ tái phát sỏi. Hơn nữa, tình trạng sỏi gây viêm mạn tính kéo dài có thể hình thành khối ung thư như ung thư đường niệu, ung thư vảy...
Mặt khác, khối gạc giả u này đã diễn biến qua nhiều năm liền, phản ứng viêm, xơ hoá xung quanh, hoại tử, thoái hoá, sợi gạc bị tiêu biến dần nên không dễ dàng phát hiện.
Như vậy, bệnh cảnh lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh dễ chẩn đoán là khối ung thư/bệnh nhân có sỏi thận. Chỉ khi bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn thận mới được giải phẫu bệnh chẩn đoán xác định là khối xơ viêm, thoái hoá, hoại tử giả u do dị vật.
Theo các bác sĩ, trong phẫu thuật, băng gạc rất quan trọng để giúp thấm máu, giúp các phẫu thuật viên quan sát trường mổ được rõ ràng và thuận lợi. Trong những cuộc phẫu thuật lớn, kéo dài, số lượng băng gạc sử dụng lớn. Vì vậy, việc tuân thủ quy trình phẫu thuật cần được thực hiện nghiêm ngặt, số lượng gạc được đưa vào để thấm máu cần được lấy ra, đếm lại số lượng, tránh bỏ sót gây ra những sự cố đáng tiếc.