Tuyên Quang: Bé 12 tuổi sốc phản vệ do ong mặt quỷ đốt

Mai Nguyên (th) 01/11/2022 15:37

PLBĐ - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng gọi hỏi phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi da lạnh, môi tím tái.

Theo VTV, trưa ngày 31/10, phòng Cấp cứu của Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận một bệnh nhi bị phản vệ do ong đốt.

Bệnh nhi là cháu G.Đ.T.M. (12 tuổi, trú tại TP. Tuyên Quang) trên đường đi học về không may bị ong mặt quỷ đốt nhiều nốt vào đầu và cổ. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhi bị khó thở, vã nhiều mồ hôi và được người nhà đưa vào Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng gọi hỏi đáp phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi da lạnh, môi tím tái. Ngay lập tức, êikíp trực của bệnh viện đã xử trí nhanh, chính xác, kịp thời dùng các thuốc vận mạch, chống sốc cứu bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.

Tuyên Quang: Bé 12 tuổi sốc phản vệ do ong mặt quỷ đốt - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ khi bị ong đốt bao gồm: Phản ứng ở da, bao gồm phát ban, ngứa và da ửng đỏ hoặc tái nhợt; Khó thở; Cổ họng và lưỡi sưng phồng; Mạch đập nhanh và yếu; Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy; Chóng mặt hoặc ngất xỉu; Mất ý thức. Khi có một trong các dấu hiệu này cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.

Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng cách: Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong; Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần;

Uống nhiều nước để loại thải độc tố; Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng; Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.

Các chuyên gia cũng lưu ý, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi có một trong các dấu hiệu sau: Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như mặt, đầu, cổ,...; Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm; Trường hợp người bị đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chỉ khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tuyên Quang: Bé 12 tuổi sốc phản vệ do ong mặt quỷ đốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO