“Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan", ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Tập đoàn Masan vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019. Doanh thu thuần hợp nhất của Masan năm nay đạt 37.354 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.365 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cũng kỳ.
Điểm nhấn thương vụ với Vingroup
Theo Masan, doanh thu tập đoàn sụt giảm so với cùng kỳ do một số nguyên nhân như mảng khoáng sản giảm doanh thu 31,4% vì giá vonfram giảm 22% và công ty trì hoãn việc bán đồng. Tuy nhiên, doanh thu được bù đắp một phần nhờ doanh số bán Florit cao hơn.
Ngoài ra, Masan MEATLife bị ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi khiến hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc giảm 1,3% doanh thu so với năm 2018. Sự sụt giảm này được bù đắp nhờ mức tăng trưởng của thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản. Năm 2020, ngành thịt mát sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng.
Với ngành hàng tiêu dùng nhanh, doanh thu năm 2019 tăng 8,6%. Các sản phẩm mới ra mắt năm qua đang trên đà tăng trưởng nhưng chưa đóng góp vào doanh thu năm 2019 theo kế hoạch.
Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của tập đoàn Masan vẫn tăng so với cùng kỳ nhờ biên lợi nhuận gộp của các mảng kinh doanh được cải thiện và đặc biệt là khoản thu nhập bất thường 130 triệu USD sau vụ kiện giữa công ty con trong mảng khoáng sản với Jacobs tại trọng tài quốc tế.
Trong năm 2019, một dấu mốc quan trọng với Masan là thương vụ nhận chuyển nhượng hệ thống 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng tiện lợi Vinmart và 14 nông trại VinEco.
Theo thỏa thuận, một công ty mới sẽ được thành lập và nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consumer Holdings và 83,7% cổ phần VCM, doanh nghiệp vận hành Vinmart và VinEco. Công ty mới này sẽ do Masan kiểm soát với tỷ lệ sở hữu 70%.
Bên cạnh đó, một công ty con của Masan cũng đã đưa ra đề nghị chào mua công khai đến 60% cổ phần của công ty NET với mức định giá 46 triệu USD. Thương vụ nếu thành công sẽ đưa Masan gia nhập ngành hàng mới là chăm sóc cá nhân và gia đình.
"Không phải ai cũng đồng tình"
Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2019 và thương vụ nhận chuyển nhượng hệ thống Vinmart, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan".
Theo ông Quang, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VCM với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan sẽ tạo ra lợi thế vượt trội để tập đoàn này xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng.
"Nhiều người nói ngành bán lẻ là một sân chơi hoàn toàn khác, nhưng đối với chúng tôi, tất cả đều bắt đầu bằng việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm và cung cấp các giải pháp vượt trội. Đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi. 2020 là năm chúng tôi sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này", tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Masan cho biết VCM đang là hệ thống bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán, chiếm 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. VCM đang trên đà đạt lợi nhuận tại Hà Nội. Đây là khu vực đóng góp 45% doanh thu của VCM trong năm 2019.
Trong năm 2020, Masan sẽ tiếp tục tăng sự hiện diện của hệ thống Vinmart, Vinmart tại Hà Nội để củng cố thị phần. Ngoài ra, VCM sẽ mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận.
Công ty cũng sẽ phát triển mô hình cửa hàng cho các tỉnh, thành ngoài Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu.
Masan cũng sẽ đóng cửa 150-300 cửa hàng Vinmart, Vinmart không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng.
(Theo Tri thức trực tuyến)
https://news.zing.vn/ty-phu-nguyen-dang-quang-lan-dau-noi-ve-thuong-vu-vinmart-post1038904.html