Nếu có bằng chứng chứng minh được các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động đến gần sáng, tức quá 12h đêm theo luật định thì các cơ sở này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, điều 19, Nghị định 158/2013 với mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Việc các cô gái trẻ ăn mặc thiếu vải đứng chèo kéo khách cũng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Gần nhà tôi thời gian gần đây bỗng nhiên các quán karaoke mọc lên như nấm, việc này ảnh hưởng rất lớn tới gia đình tôi và các hộ liền kề: an ninh trật tự kém, ô nhiễm tiếng ồn, rồi việc để xe của khách đến hát đỗ tràn lan dưới lòng, hè đường gây tắc nghẽn giao thông… không những thế, còn có hiện tượng nhiều cô gái trẻ ăn mặc “thiếu vải” đứng ở cửa chèo kéo khách khiến chúng tôi lo ngại về một môi trường sống không lành mạnh cho các con.
Việc chuyển nhà không phải ai cũng có điều kiện, chúng tôi làm đơn trình báo chính quyền phường nhưng họ cũng chỉ lập biên bản qua loa rồi phạt cho tồn tại là xong.
Xin được hỏi luật sư, có quy định nào cho phép các quán karaoke được mở trong khu dân cư, khoảng cách giữa các quán có được quy định hay không?
Giờ hoạt động của họ theo tôi tìm hiểu là chỉ được phép đến 23hnhưng đến gần sáng vẫn thấy náo nhiệt. Xin luật sư tư vấn giúp tôi làm sao để có thể yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc ổn định lại trật tự của khu vực nơi tôi đang sinh sống.
Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời câu hỏi của bạn đọc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật TNHH LSX đã đưa ra quan điểm như sau:
Về vấn đề pháp luật có quy định về việc mở quán karaoke trong khu dân cư? Khoảng cách giữa các quán và Thời gian hoạt động của các quán karaoke vào ban đêm, Luật sư Lực cho biết: Hiện nay pháp luật không cấm việc hoạt động của các quán karaoke tại khu dân cư, vậy nên không quy định về khoảng cách từ quán karaoke đến nhà dân. Quán Karaoke có được quyền hoạt động trong khu vực dân cư.
Vũ trường, quán karaoke phải đóng cửa trước 2 giờ sáng – đây là một trong những nội dung mới có trong Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan.
Tuy nhiên, tại điều 32, Nghị định 103/2009/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP có quy định về “trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke” liên quan đến môi trường xung quanh như sau: Khi hoạt động kinh doanh karaoke, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định sau đây: 7. Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này;
Điều 37. Quy định về hoạt động sau 12 giờ đêm
2. Vũ trường, phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.
Về câu hỏi của bạn đọc với nội dung "Tôi cần đề nghị cơ quan nào giải quyết để chấm dứt hành vi ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia đình", Luật sư Quách Thành Lực cho biết, nếu có bằng chứng chứng minh được các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động đến gần sáng, tức quá 12h đêm theo luật định thì các cơ sở này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, điều 19, Nghị định 158/2013 như sau:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Hoạt động karaoke, quầy bar và các hình thức vui chơi giải trí khác quá giờ được phép".
Cơ sở kinh doanh gần nhà bạn thường có các cô gái trẻ ăn mặc thiếu vải đúng chèo kéo khách là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại khoản 2, điều 6, Nghị định 96/2016 quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định về các hành vi bị cấm sau: “Lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự, trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc”
Việc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh karaoke cũng đc quy định tại điều 50, Nghị định 96/2016 như sau:
Điều 50. Kiểm tra, thanh tra
1. Cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.
Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra, thanh tra:
a) Kiểm tra, thanh tra các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý; nội dung kinh doanh ghi trong Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động;
b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định này và các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
c) Kiểm tra người và phương tiện, sản phẩm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Kết thúc kiểm tra, thanh tra phải lập biên bản (theo mẫu quy định thống nhất của Bộ Công an) ghi rõ kết quả và tồn tại hoặc vi phạm (nếu có).
3. Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra:
a) Cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất;
b) Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an các cấp chỉ được tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cần phải xử lý ngay; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh trên địa bàn do mình quản lý. Sau khi kiểm tra phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) cho cơ quan Công an đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh đó;
c) Công an các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên phê duyệt bằng văn bản hoặc có văn bản chỉ đạo của Công an cấp trên.
4. Các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Khi phát hiện ra những sai phạm của các cơ sở kinh doanh karaoke, bạn nên thực hiện quyền công dân của mình thông qua việc thông báo đến cơ quan chức năng hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các quán Karaoke.
Xin cảm ơn luật sư!
(Theo Dân trí)