Nhiều người vẫn thường có thói quen uống bia hạ nhiệt trong mùa hè, vậy uống bia nhiều có sao không?
Uống bia nhiều có sao không?
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, lạm dụng bia sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi uống bia, chúng ta thở nhiều hơn, mạch máu dưới da giãn ra, đi tiểu nhiều, gây tiểu nhiều và mất nước.
Trong bia có nhiều lượng calo rỗng, chúng ta không vận động đốt cháy nhiều thì các năng lượng này sẽ tích lại ở mỡ, thành bụng, không tốt cho sức khoẻ. Đây chính là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch, tiểu đường.
Hiện có nhiều loại bia với nồng độ cồn khác nhau. Đa số bia chứa 5-8% nồng độ cồn, có loại cao hơn 8-15%. Bia nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, là sản phẩm được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép. Nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5%. Nhiều quốc gia có quy định nồng độ cồn trong bia khác nhau.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đồ uống nồng độ cồn dưới 0,5% thì có thể xem là không cồn. Tại Đức cũng quy định tương tự. Trong khi đó, ở Italy, bia 0 cồn thực chất chứa nồng độ cồn tới 1,2%. Tại Anh, chai bia được dán nhãn "0 cồn" có nồng độ cồn thấp hơn 0,05%.
Chuyên gia cũng cho biết, căn cứ vào thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm đơn vị cồn.
Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Người trưởng thành sức khoẻ bình thường, cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.
Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 - 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 - 90% sẽ được xử lý qua gan. Nếu chúng ta uống nhiều bia, gan và thận sẽ quá tải gây ra tình trạng rối loạn chuyển hoá mỡ, gan nhiễm mỡ.
Có nên uống bia sau tập luyện?
Theo bác sĩ Hoàng, bia rượu không thể thay thế nước và không thể uống thay nước sau khi tập luyện, vận động nặng. Bạn nên uống lượng nước vừa phải và nghỉ ngơi trước khi sử dụng đồ uống lạnh như bia để tránh làm xáo trộn nhiệt độ trong cơ thể.
Mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cơ thể thường bị đói sau vận động, lạm dụng rượu bia khiến bạn dễ say bởi axit trong dạ dày tăng kích thích hơn, dễ làm tổn thương niêm mạc, lâu dài ảnh hưởng dạ dày, đại tràng, gan.
Uống rượu bia khi cơ thể đang mệt mỏi, căng thẳng hoặc vận động thể lực quá sức cũng dễ say hơn bình thường. Lái xe trong tình trạng không tỉnh táo cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.