Cụ ông 78 tuổi ở Hà Nội nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, phù nề nhiễm khuẩn nặng vùng hầu họng sau khi uống nhầm 250 ml nước rửa bát.
Cụ ông 78 tuổi, ở Hà Nội, được gia đình đưa tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng khó thở, phù nề nhiễm khuẩn nặng vùng hầu họng sau khi uống 250 ml nước rửa bát (nước rửa chén). Theo gia đình, bệnh nhân có tiền sử bị sa sút trí tuệ do tuổi già. Trước khi vào viện khoảng 1 ngày, bệnh nhân uống nhầm khoảng 250 ml nước rửa bát, sau đó bệnh nhân có hiện tượng thở khò khè, đau họng, nuốt đau tăng, tăng tiết đờm dãi nhiều, nói giọng ngậm hột thị, kèm theo sốt 38 độ C. Gia đình để ở nhà tự theo dõi, sau 1 ngày triệu chứng khó thở tăng lên, bệnh nhân mới được cho vào viện cấp cứu.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Ảnh: BVCC
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, kích thích, vật vã nhiều, khó thở thanh quản độ II. Bác sĩ điều trị cho biết bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng gồm: môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Nội soi tai mũi họng thấy phù nề vùng sụn nắp thanh môn, có hình ảnh phù nề toàn bộ vùng thanh môn, hạ họng ứ đọng rất nhiều dịch mủ đặc.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Tai mũi họng và Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã mở khí quản cấp cứu cho bệnh nhân. Quá trình cấp cứu cho bệnh gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân kích thích, khó hợp tác, lại không nhận thức được tình trạng cấp tính của bệnh, tiên lượng nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp cấp. Sau ca mổ bệnh nhân tỉnh, tự thở tốt qua ống mở khí quản.
Đến thời điểm này, sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, nội soi kiểm tra lại vùng hạ họng thanh quản thấy thanh môn rộng, thông thoáng, sụn nắp thanh quản, dây thanh hai bên bình thường. Bệnh nhân được rút ống mở khí quản, tự thở hoàn toàn theo đường tự nhiên, ăn uống tốt, không nghẹn, sặc.
Các bác sĩ khuyến cáo gia đình có người già, bị lú lẫn cần chú ý không để ăn, nuốt nhầm các dung dịch, hóa chất sẵn có trong nhà. Nếu không may uống nhầm cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để xử trí kịp thời. Đặc biệt, tình trạng viêm phù nề thanh thiệt cấp tính là một cấp cứu nặng vùng tai mũi họng, có thể tiến triển nhanh dẫn tới tắc nghẽn đường thở gây tử vong nếu không được can thiệp kiểm soát đường thở kịp thời.
(Theo Người lao động)
https://nld.com.vn/suc-khoe/uong-nham-250-ml-nuoc-rua-bat-cu-ong-nguy-kich-20200120183938043.htm