Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập trong những trường hợp nào?

20/08/2024 09:38

Trong những trường hợp nào thì Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập? Việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng được quy định ra sao?

1. Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập trong những trường hợp nào?

Căn cứ Điều 30 Luật Công chứng 2014, việc thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng được quy định như sau:

(i) Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập trong những trường hợp sau đây:

- Văn phòng công chứng không thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 23 của Luật Công chứng 2014.

- Hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động mà Văn phòng công chứng chưa bắt đầu hoạt động.

- Văn phòng công chứng không hoạt động liên tục từ 03 tháng trở lên, trừ trường hợp toàn bộ các công chứng viên hợp danh bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng.

- Văn phòng công chứng chỉ còn một công chứng viên hợp danh và không bổ sung được thành viên hợp danh mới trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày thiếu công chứng viên hợp danh.

- Toàn bộ công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng bị miễn nhiệm chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

- Văn phòng công chứng không bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

(ii) Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng.

Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

văn phòng công chứng

Các trường hợp Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập

(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)

2. Chuyển nhượng Văn phòng công chứng

Căn cứ Điều 29 Luật Công chứng 2014, việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng được thực hiện như sau:

(i) Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản (ii) Mục  này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.

Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.

(ii) Công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng.

- Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng.

- Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

(iii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

(iv) Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

3. Hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng

Căn cứ Điều 28 Luật Công chứng 2014, việc hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng được quy định như sau:

(i) Hai hoặc một số Văn phòng công chứng có trụ sở trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể hợp nhất thành một Văn phòng công chứng mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Văn phòng công chứng được hợp nhất, đồng thời chấm dứt hoạt động của các Văn phòng công chứng bị hợp nhất.

Một hoặc một số Văn phòng công chứng có thể sáp nhập vào một Văn phòng công chứng khác có trụ sở trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Văn phòng công chứng nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt hoạt động của Văn phòng công chứng bị sáp nhập.

(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng.

(iii) Chính phủ quy định chi tiết thủ tục hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập trong những trường hợp nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO