Dù đã qua Rằm tháng Giêng, giá vé máy bay từ các tỉnh, thành về TP HCM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều người dân chấp nhận mua vé giá cao để kịp thời quay trở lại "guồng" công việc.
Ngày 26/2, chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, anh Quốc Huy đang "chật vật" tìm vé máy bay từ Hải Phòng vào TP HCM.
Anh Huy cho hay: "Mỗi năm, sau khi về quê ăn Tết, gia đình tôi thường nán lại vài hôm rồi, mua vé máy bay sau ngày Rằm tháng Giêng để có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, năm nay hiện nay vẫn neo ở mức cao.
Tương tự, Minh Huyền (quê Hà Nội, sinh viên trường Đại học Hoa Sen - TP HCM) chia sẻ, sau khi lên các website bán vé tìm hiểu, thấy giá vé các hãng hàng không cao. Do vậy, Huyền quyết định đi xe khách đường dài để tiết kiệm chi phí.
Theo khảo sát của phóng viên, giá vé máy bay chặng từ các địa phương trở lại TPHCM sau Tết hiện vẫn ở mức cao, thậm chí khan vé. Đối với những chuyến bay còn trống chỗ, trung bình các chặng bay từ Hà Nội, Vinh (Nghệ An), Hải Phòng....có giá neo ở mức từ 3,5 - 7 triệu đồng/vé. Thậm chí, nếu bay nối chuyến, hành khách phải bỏ ra số tiền hơn chục triệu đồng/vé.
Cụ thể, với các chặng bay 1 chiều Hà Nội - TP HCM ngày 27/2 của hãng bay Vietnam Airlines, vé máy bay hạng phổ thông đã hết vé, chỉ còn hạng thương giá với mức dao động từ 8,7 - 6,4 triệu đồng/vé.
Còn đối với hãng hàng không Bamboo toàn bộ vé máy bay ngày 27/2 đã được bán hết. Ngày 28/2 có giá dao động từ 2,6 triệu - 4 triệu/ tùy loại vé chưa bao gồm thuế, phí.
Trước sức nóng của giá vé máy bay ngày Tết, nhiều người dân và du khách chần chừ, suy nghĩ chọn phương án di chuyển khác để tiết kiệm chi phí và phù hợp với túi tiền.
Theo cáo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, trong giai đoạn từ 24/1 - 25/2, tổng số chuyến bay dự kiến đạt xấp xỉ 33,8 nghìn chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại.
Trong đó, chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24,2 nghìn chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác. Chuyến bay quốc tế dự kiến đạt 9,6 nghìn chuyến, tăng 60% so với cùng kỳ và 9% so với lịch bay quốc tế bình thường đang khai thác.
Trước phản ảnh của dư luận và hành khách về việc giá vé máy bay cao và khó mua ở một số chặng bay trong dịp Tết, ngày 21/2 Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các công ty hàng không bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines yêu cầu báo cáo công tác bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024.
Các doanh nghiệp cũng cần báo cáo việc giám sát hoạt động của hãng đối với các đại lý bán vé máy bay và các biện pháp xử lý, gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 26/2.
Theo Thông tư 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 1/3/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, kể từ ngày 1/3 sẽ tăng trần giá vé máy bay nội địa.
Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).
Cận Tết, cẩn trọng 'bẫy' vé máy bay, combo du lịch giá rẻ