Vì sao cần điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày 1/9?

30/08/2022 10:51

PLBĐ - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) kiến nghị Bộ Công Thương cho điều hành giá xăng dầu vào đúng ngày 1/9 nhằm đảm bảo nguồn cung, đồng thời giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại văn bản gửi Bộ Công Thương về điều hành giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết thời gian qua, giá xăng dầu thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với các biến động tăng giảm đan xen trong biên độ lớn. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước cơ bản vẫn giữ được sự ổn định nhờ sử dụng tốt các công cụ như thuế, quỹ bình ổn giá...

Hiện tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, đặc biệt là mặt hàng dầu diesel, tính đến ngày 25/8, tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8.

Hiệp hội này đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9, thay vì ngày 5/9 (do kỳ điều hành trùng ngày nghỉ lễ 2/9). Theo quy định, kỳ điều hành giá tới được thực hiện vàongày 1/9. Tuy nhiên, ngày 1/9 theo thông báo của Bộ LĐ,TB&XH lại là ngày nghỉ đối với cán bộ là công chức, viên chức (đối tượng một tuần được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật). Còn đối với các đối tượng khác (chỉ được nghỉ Chủ nhật - như đại bộ phận người lao động ngành xăng dầu) thì 1/9 vẫn là ngày làm việc.

Trong trường hợp này, Nghị định 95 cũng không quy định cụ thể sẽ lựa chọn ngày nào là ngày nghỉ lễ chính thức. Nếu lựa chọn ngày 2/9 là ngày nghỉ thì việc điều chỉnh giá phù hợp với chu kỳ 10 ngày theo quy định, còn nếu lựa chọn ngày nghỉ là 1/9 thì việc điều hành giá sẽ được chuyển sang ngày 5/9.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lo ngại điều này khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.

Vì vậy, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hội viên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9 để vừa giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị này trong công tác tạo nguồn nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1/9 đến 4/9).

Không chỉ Hiệp hội Xăng dầu, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng có sự đồng tình và đề nghị cơ quan chức năng điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh nguy cơ lặp lại tình huống nguồn cung đứt gãy như hồi đầu năm 2022.

Vì sao cần điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày 1/9? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 22/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã giữ nguyên giá xăng E5 RON 92 và RON 95 ở mức 23.720 đồng/lít và 24.660 đồng/lít (so với phiên điều chỉnh ngày 11/8). Tuy nhiên, giá một số mặt hàng dầu kỳ này được điều chỉnh đồng loạt tăng. Cụ thể, dầu diesel là 23.750 đồng/lít, tăng 850 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.050 đồng/lít, tăng 730 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh đó, liên Bộ cũng đã quyết định trích mỗi lít xăng từ 451-493 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 250 đồng, dầu hỏa 400 đồng và dầu mazut trích 641 đồng/kg.

Như vậy từ đầu năm đến nay, nước ta đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm. Phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/8 là lần thứ 5 liên tiếp các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm giá. Sau phiên điều chỉnh ngày 22/8, giá xăng trong nước đứt mạch đi xuống sau 5 kỳ giảm liên tiếp trong tháng 7.

Trước những diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp điều hành dự đoán giá xăng dầu trong nước sẽ tăng trong kỳ điều hành sắp tới. Nhiều khả năng, giá xăng sẽ tăng ở mức 380-400 đồng/lít; dầu tăng mạnh hơn ở mức 2.300-2.400 đồng/lít.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về cung ứng xăng dầu diễn ra ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu và bằng mọi cách, Bộ sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trước tình hình mặt hàng xăng dầu có diễn biến phức tạp, một số cây xăng có biểu hiện găm hàng không bán, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận xét các thông tin về việc thiếu nguồn cung xăng dầu, nhiều cây xăng đóng cửa là không chính xác, không bình thường, rất có thể có một sự kích động, lôi kéo, bóp méo thông tin, gây rối tình hình, méo mó thị trường.

Ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, hiệp hội ngành hàng chấn chỉnh ngay các hoạt động quản lý trong phạm vi và thẩm quyền trách nhiệm của mình; chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm minh cơ sở kinh doanh xăng dầu "găm hàng". Nếu phát hiện sai phạm như: dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày; các sai phạm khác thì căn cứ theo quy định của pháp luật tiến hành xử lý và đề xuất xử lý kiên quyết, đúng luật, công khai trên cái phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc ở mức cao thì đề nghị xử lý theo quy định của luật hình sự.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao cần điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày 1/9?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO