Vì sao Grab thu hơn 9 tỷ đồng/ngày nhưng vẫn lỗ nặng trong năm 2021?

18/07/2022 15:24

PLBĐ - Mặc dù doanh thu tăng hàng nghìn lần so với thời điểm mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam, nhưng lợi nhuận Grab thu được liên tục báo số âm qua từng năm. Trong đó, có những năm doanh nghiệp này báo lỗ lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng.

Tháng 2/2014, Grab chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam với tên gọi GrabTaxi thông qua sự ra đời của Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi). Tháng 10/2014, hãng chính thức triển khai dịch vụ GrabBike và bắt đầu chiêu mộ tài xế xe 2 bánh.

Tổng tài sản, nguồn vốn của GrabTaxi ở thời điểm mới xuất hiện chỉ khoảng 4,4 tỷ đồng. Trong năm 2014, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 1,5 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2015, Grab chính thức được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Sau khi hợp thức hóa hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh của Grab nhanh chóng mở rộng, doanh thu năm 2015 đạt 32 tỷ đồng. Qua từng năm, doanh số của hãng cũng ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2016 là 188 tỷ đồng và năm 2017 là 759 tỷ đồng.

Đến năm 2018, doanh thu của Grab ghi nhận bước tăng đột biến, đặc biệt khi hãng đã thực hiện thành công thương vụ thâu tóm thành công ứng dụng kết nối vận tải đối thủ là Uber tại thị trường Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam). Được biết, đây chính là thỏa thuận mua bán, sáp nhập lớn nhất trong lịch sử giữa các startup ở khu vực Đông Nam Á. Cũng trong năm này, doanh thu của Grab Việt Nam là 2.194 tỷ đồng, so với năm 2017 đã tăng gần gấp 3 lần và gấp gần 1.500 lần doanh số đạt được năm 2014.

Năm 2019, doanh thu của công ty mẹ Grab là 3.382 tỷ đồng, tăng 54% so với năm liền trước. Điều đáng nói, đây là mức doanh thu cao nhất kể từ khi hãng kết nối vận tải này chính thức có mặt tại tại Việt Nam. 

Trái ngược với doanh thu, lợi nhuận của hãng giảm liên tục theo từng năm, đạt lần lượt -442 tỷ đồng (2015), -445 tỷ đồng (2016), -789 tỷ đồng (2017), -885 tỷ đồng (2018) và -1.670 tỷ đồng (2019). Lỗ lũy kế tính đến năm 2019 khoảng 4.300 tỷ đồng.

Năm 2020 cũng là năm ghi nhận kết quả kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất từ doanh thu tới chi phí của Grab. Trong đó, doanh nghiệp này ghi nhận 3.762 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với năm liền trước, biên lãi gộp công ty ghi nhận được cũng đạt mức tối đa 64,5%, trong khi năm 2019 chỉ đạt 39,8%. Bên cạnh đó, nhờ việc tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí khuyến mãi mà Grab đã thu về khoản lãi dương 243 tỷ đồng năm 2020. 

Vì sao Grab thu hơn 9 tỷ đồng/ngày nhưng vẫn lỗ nặng trong năm 2021? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính gần nhất, Grab Việt Nam ghi nhận gần 3.346 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2021, tương đương mức thu gần 9,2 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, 99,8% là doanh thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối. Tuy nhiên, so với năm 2020, mức doanh thu kể trên đã giảm hơn 11%. Đi cùng đà giảm doanh thu là mức giảm của lợi nhuận gộp khi Grab thu về 1.951 tỷ đồng năm 2021, giảm gần 20%.

Như vậy, trong năm 2021, biên lãi gộp của công ty này đạt khoảng 58,3%, thấp hơn mức 64,5% của năm 2020. Dù vậy, đây vẫn là biên lãi gộp đáng mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh doanh thu và lãi gộp sụt giảm, chi phí bán hàng của Grab năm vừa qua lại tăng tới 25%, tiêu tốn của doanh nghiệp hơn 1.926 tỷ đồng. Thực tế, trong hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam, chi phí bán hàng thường xuyên là khoản chi phí lớn nhất mà công ty phải chi ra hàng năm, vượt trên cả giá vốn hàng bán.

Nguyên nhân chính khiến chi phí này luôn ở mức cao vì Grab thường xuyên phải đưa ra các khuyến mãi cho khách hàng, kết quả là chi phí khuyến mãi hàng năm của công ty này đều đạt hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quảng cáo cũng được Grab tính vào chi phí bán hàng hàng năm. Với chi phí bán hàng tăng mạnh cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Grab Việt Nam đã ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 300 tỷ đồng năm vừa qua. Với kết quả kinh doanh ảm đạm như thế, tính đến ngày 31/12/2021, Grab Việt Nam đã gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 4.366 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của công ty vẫn không đổi, giữ nguyên ở mức 20 tỷ đồng.

Được biết, không chỉ Grab Việt Nam, Grab cũng đang chìm trong thua lỗ. Năm 2021, Grab đã chi khủng 717 triệu USD cho các đối tác tài xế cùng 1,06 tỷ USD cho các hoạt động ưu đãi, khuyến mại tới khách hàng. Những con số này so với năm trước đã lần lượt tăng 15% và 73%. Sau khi tính thêm các chi phí khác, Grab lỗ ròng 3,55 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 ghi nhận khoản lỗ 2,7 tỷ USD.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Grab thu hơn 9 tỷ đồng/ngày nhưng vẫn lỗ nặng trong năm 2021?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO