Theo quy định hiện nay, hàng hóa dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào. Hiện mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới vào Việt nam không phải đóng thuế.
Tại Tọa đàm “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/9, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, đến năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ ở Việt Nam đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc.
Điều này đặt ra bài toán về phát triển bền vững, nhất là bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ nghĩa vụ về thuế.
Các khách mời tham dự tọa đàm.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, nếu như những năm trước đây chỉ thu được một vài nghìn tỷ đồng thuế từ TMĐT, thì từ năm 2022 đến nay thu được nhiều hơn. Cụ thể, năm 2023 đã thu được 90.000 tỷ đồng và năm 2024, dự kiến có khả năng thu được trên 100.000 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động TMĐT.
Tuy vậy, ông Thịnh cho rằng, cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó có bằng chứng để có thể thu đúng, thu đủ từ hoạt động TMĐT, nhất là các sàn giao dịch lớn.
Đề xuất đánh thuế GTGT với hàng hóa nhỏ lẻ
Dẫn con số thống kê mỗi tháng có khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới vào Việt nam không phải đóng thuế, ông Thịnh cho rằng, đây là con số rất lớn. Do vậy, cần có cơ chế chính sách đối với số lượng hàng hóa này.
Theo quy định hiện nay, hàng hóa dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu).
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế - cho biết Bộ Tài Chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong tờ trình, có đề xuất bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhỏ lẻ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12. Trong đó, Bộ đề xuất quản lý đối với TMĐT theo hướng, các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. “Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ”, bà Lan Anh nói.
Theo bà Lan Anh, việc xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.