Vì sao một số ca nhiễm COVID-19 mà Bộ Y tế công bố lại chậm hơn mạng xã hội?

Thanh Hải 13/03/2020 23:01

PLBĐ - “Để công bố một ai đó mắc bệnh, chúng tôi cần thận trọng” - Vụ trưởng Nguyễn Đình Anh giải thích về việc Bộ Y tế công bố thông tin về các ca bệnh chậm hơn mạng xã hội và một số cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, những thông tin liên quan đến dịch bệnh luôn nhận đươc sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Cùng với đó, việc Bộ Y tế công bố thông tin về một số ca bệnh chậm hơn mạng xã hội và một số cơ quan báo chí là thắc mắc của nhiều người.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng (Bộ Y Tế) cho biết: “Chúng tôi là những người làm truyền thông trong ngành y tế, những thông tin chúng tôi đưa ra không đơn giản chỉ phục vụ thị hiếu, sự tò mò của người dân, mà còn liên quan đến đời sống, mối quan hệ thậm chí sinh mạng của người bệnh hoặc người bị nghi nhiễm bệnh.

Do vậy, để có được thông tin khẳng định về ca bệnh, chúng tôi cần phải kiểm chứng, đối chứng và khi nào khẳng định chắc chắn ca bệnh thì mới công bố và cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân. Chúng tôi gần như là tuyến cuối, thông tin chúng tôi đưa ra ảnh hưởng không chỉ một người mà rất nhiều người”.

Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng (Bộ Y Tế) bày tỏ mong muốn người dân có thể thông cảm và thấu hiểu với những người làm truyền thông trong ngành y tế. “Trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, ai cũng muốn có thông tin nhanh, chúng tôi biết điều đó. Nhưng, việc để công bố một ai đó mắc bệnh, chúng tôi cần thận trọng”, ông Nguyễn Đình Anh khẳng định.

xzb1530786766
Ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng (Bộ Y Tế).

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Anh còn cho biết thêm, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm COVID-19. 3 đơn vị đó là: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Do vậy, nếu các mẫu xét nghiệm từ các địa phương gửi trực tiếp đến 3 Viện trên, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì khẳng định bệnh nhân đó mắc bệnh COVID-19.

Nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có gần 30 bệnh viện, Viện, Trung kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính, họ phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành để xét nghiệm khẳng định. Chỉ khi xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh COVID-19.

1-3477-1582521737
Xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam đạt chuẩn Thế giới.

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đến nay, 108 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Hiện, Việt Nam đã chính thức bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Trước “sức nóng” của dịch bệnh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh, đoàn kết, thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ mình, gia đình mình và có trách nhiệm với cộng đồng. Người dân hãy tin ở Chính phủ, các cơ quan chức năng và không nên lo lắng quá mức.

Hiện nay, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để lan truyền những thông tin không chính xác, bịa đặt gây hoang mang dư luận. Vì vậy, người dân nên cập nhập thông tin từ Cổng thông tin dịch bệnh của Bộ Y tế là ncov.moh.gov.vn hoặc Báo Gia đình và Xã hội (giadinh.net.vn) để có thông tin chính xác nhất.

TH

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao một số ca nhiễm COVID-19 mà Bộ Y tế công bố lại chậm hơn mạng xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO