Vì sao người mắc sốt xuất huyết đã khỏe vẫn có nguy cơ tử vong?

Thu Thủy (t/h) 09/11/2022 10:37

PLBĐ - Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể trải qua nhiều giai đoạn với những triệu chứng, dấu hiệu riêng. Trong đó, có những giai đoạn các triệu chứng lâm sàng thoái lui nhưng tiểu cầu bắt đầu giảm một cách âm thầm, khiến người bệnh tưởng rằng mình đã khỏi, dẫn đến chủ quan.

Nhiều người vẫn băn khoăn rằng sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi lại tử vong bởi vì trên thực tế, với những người bị bệnh, có những lúc cảm thấy cơ thể dường như đã ổn định nhưng sau đó lại chuyển biến xấu.

Điều này có thể lý giải thông qua quá trình diễn tiến của bệnh. Thực ra, hiện tượng sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong không xảy ra mà chỉ là sự nhầm tưởng của người bệnh.

Vì sao người mắc sốt xuất huyết đã khỏe vẫn có nguy cơ tử vong? - Ảnh 1.

Số xuất huyết là một bệnh đe dọa tới tính mạng của người bệnh (ảnh minh họa).

Trong quá trình nhiễm bệnh, thời gian khoảng từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 là lúc bệnh nguy hiểm hơn cả và cũng là thời gian mà biến chứng nếu có sẽ xuất hiện.

Cũng trong giai đoạn này, có thể triệu chứng sốt của người bệnh sẽ đỡ hơn nên hầu như chúng ta đều yên tâm mà cho rằng cơ thể bắt đầu bước sang trạng thái hồi phục. Tuy nhiên, điều này là không chính xác.

Ở giai đoạn này, tiểu cầu của bệnh nhân bắt đầu giảm dần một các âm thầm mà phải xét nghiệm máu mới có thể biết được. Vì vậy, nếu như không theo dõi bằng xét nghiệm tế bào máu hàng ngày, người bệnh chỉ có thể biết được tình trạng bệnh diễn biến nặng khi cơ thể xuất hiện tình trạng xuất huyết như: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết não,... Khi đó, có thể tiểu cầu của bệnh nhân đã giảm xuống ở mức rất thấp và nguy hiểm.

Một mối đe dọa nữa cũng có thể đến với người bệnh trong giai đoạn này là hiện tượng suy đa tạng, đó là viêm một số bộ phận như não, cơ tim, gan,... mà nếu không được cấp cứu ngay cũng dẫn đến tử vong.

Vì sao người mắc sốt xuất huyết đã khỏe vẫn có nguy cơ tử vong? - Ảnh 2.

Từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 sau khi nhiễm bệnh là thời điểm nguy hiểm nhất. (ảnh minh họa)

Các trường hợp nguy hiểm nhất là hiện tượng xuất huyết xảy ra trầm trọng ở đường tiêu hóa hoặc dưới da, có thể dẫn tới cả chảy máu não, ảnh hưởng xấu tới một số cơ quan như tim, gan, phổi. Cùng với đó, huyết áp sẽ giảm mạnh, đột ngột gây sốc.

Ngoài ra tình trạng thành mạch bị tăng thấm dẫn tới thoát dịch và máu cô đặc lại, gây sốc.

Như vậy, mặc dù bệnh được gọi là sốt xuất huyết song không phải cứ hết sốt là hết bệnh mà mà giai đoạn sốt chỉ là giai đoạn đầu của bệnh, khi bệnh nhân hết sốt thì sẽ bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn là giai đoạn giảm tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, mất cảnh giác trước bệnh tật.

Sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa tới tính mạng người bệnh, người bệnh cần phải căn cứ thêm vào các giai đoạn của bệnh như sau khi cắt sốt cần theo dõi chặt chẽ thêm khoảng 1 tuần nữa và lưu ý tới tất cả các dấu hiệu không bình thường khác có thể diễn ra với cơ thể.

Để sốt xuất huyết không còn là mối đe dọa đối với chúng ta, việc nâng cao ý thức tiêu diệt muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn), hạn chế các điều kiện thuận lợi để chúng sinh sôi là việc làm rất cần thiết.

Với những người không may mắc bệnh, cần được theo dõi chặt chẽ với sự hướng dẫn từ bác sĩ. Việc tự ý mua thuốc uống, kể cả thuốc hạ sốt có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao người mắc sốt xuất huyết đã khỏe vẫn có nguy cơ tử vong?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO