Vì sao nhiều ý kiến phản bác quy định cấm 'Mua hộ vé xổ số' tại Dự thảo mới của Bộ Tài chính

25/07/2022 12:51

PLBĐ - Bộ Tài chính đã đăng tải, lấy ý kiến đóng góp công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 01/03/2007 về kinh doanh xổ số và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 30/2007/NĐ-CP.

Tuy nhiên khi nghiên cứu đến Điều 4 "Các hành vi bị cấm", nhiều doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" cho rằng chưa phù hợp với thực tiễn và trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" rất rõ ràng, công khai, minh bạch

Cụ thể, Điều 4 Dự thảo Nghị định có quy định cấm "Tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số trái phép dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện". Theo lý giải tại Dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính thì lý do để đưa quy định "cấm" này là: Xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số (ví dụ như dịch vụ mua hộ vé xổ số qua ứng dụng ví điện tử, dự thưởng vé xổ số loto,...).

Trước quy định "Các hành vi bị cấm" theo Dự thảo Nghị định, ông Dương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần LuckyBest Việt Nam cho rằng Dự thảo Tờ trình nói dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số" là không chính xác, không rõ ràng. "Dự thảo Tờ trình không chỉ rõ điểm không công khai, minh bạch của dịch vụ "Mua hộ vé xổ số", cũng không nêu rõ các tác động của dịch vụ "Mua hộ vé xổ số", cũng không có các căn cứ, dẫn chứng để chứng minh dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số.

"Trong suốt quá trình thực tế cung cấp dịch vụ "Mua hộ vé xổ số", Công ty chưa có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại nào từ phía người mua vé. Hoàn toàn có thể thấy rõ dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch đối với người mua vé xổ số. Do đó, việc kết luận dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số là không rõ ràng và thiếu căn cứ", ông Dương Anh Tuấn nêu quan điểm.

Theo kết quả tổng kết của Công ty cổ phần LuckyBest Việt Nam thì dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" luôn được Công ty thực hiện một cách công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua vé xổ số, và giúp cơ quan nhà nước thuận tiện trong quản lý loại hình này.

Theo đó, đối với người dùng/người mua vé xổ số: Mọi thông tin về vé xổ số bao gồm: loại vé, giá vé, chi phí mua hộ, phương thức nhận thưởng, … đều được công khai đến người dùng trước khi ủy quyền cho doanh nghiệp thực hiện dịch vụ "Mua hộ vé xổ số"; Đối với cơ quan quản l‎‎ý nhà nước, cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng quản lý, kiểm soát dịch vụ "Mua hộ vé xổ số", vì khi người dùng sử dụng dịch vụ, mọi thông tin về việc ủy quyền mua hộ vé xổ số đều được lưu giữ lại từ thông tin thanh toán, việc ủy quyền, thanh toán, ….

Vì sao nhiều ý kiến phản bác quy định 'Mua hộ vé xổ số'tại Dự thảo mới của Bộ Tài chính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dự thảo không rõ ràng và không chính xác?

Đồng quan điểm với ông Dương Anh Tuấn, ông Vũ Quốc Dũng - Đại diện Công ty cổ phần Mạng thanh toán Paynet Việt Nam cũng cho rằng: Dự thảo Tờ trình cho rằng "… tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số …" là không chính xác và không rõ ràng.

Theo ông Dũng, Dự thảo Tờ trình không chỉ rõ thế nào là hành vi "lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số". Thực tế là các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" không thực hiện và không tham gia vào hoạt động phân phối vé xổ số của doanh nghiệp kinh doanh xổ số và đại lý xổ số. Những doanh nghiệp này chỉ mua hộ vé xổ số theo ủy quyền của người dùng thông qua "Ứng dụng Mua hộ vé xổ số". Đây là mối quan hệ giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này và người dùng. Do đó, việc cho rằng Dịch vụ mua hộ vé xổ số là "lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số" là không rõ ràng và không chính xác.

Ông Mai Trung Nguyên - Đại diện Công ty TNHH MTV Vé số miền Bắc cho rằng: Trong phạm vi dịch vụ "Mua hộ vé xổ số", việc người dùng ủy quyền cho pháp nhân mua hộ vé xổ số là một thỏa thuận dân sự giữa một bên là doanh nghiệp và một bên là người mua vé xổ số. Theo quy định về ủy quyền tại Điều 138 của Bộ Luật Dân sự 2015 thì "Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự."

Tiếp đó, theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ Luật Dân sự 2015 thì "cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng."

Cũng theo ông Nguyên, "về nuyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ Luật Dân sự 2015 thì "cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Do đó, việc quy định cấm Mua hộ vé xổ số đang trái với quy định tại Điều 4 Bộ Luật Dân sự 2015".

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính):

Dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" không sai về mặt pháp luật, cũng không sai về mặt thị trường. Có cầu thì ắt có cung. Nếu như dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" đã tồn tại một vài năm nay thì có nghĩa xã hội có nhu cầu đó nên doanh nghiệp đáp ứng. Tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ để ban hành được khung khổ luật pháp phù hợp để làm sao vẫn sử dụng được dịch vụ này mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc trong khuôn khổ pháp luật quy định. Cần có cơ chế đầu tư công nghệ, nghiên cứu luật pháp để hướng đến kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng dịch vụ mua hộ vé số vào mục đích bất hợp pháp, thay vì cấm tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (nguyên Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIV):

Trước đây khi chưa có Internet, chưa có mạng xã hội, hoạt động mua bán xổ số chỉ có một hình thức là mua bán trực tiếp. Đến giờ thương mại trực tuyến cho phép mua bán qua mạng, tôi cho rằng dịch vụ "Mua hộ vé xổ số" qua ứng dụng, ví điện tử… là bình thường, phản ánh nhu cầu đa dạng của xã hội, miễn là mua hộ nhưng đảm bảo đến cuối cùng, người trúng số phải có tấm vé số để đi lĩnh thưởng. Nếu thời gian qua đã có sự tồn tại của những công ty mua hộ vé số, xã hội đã chấp nhận sự tồn tại của nó thì bây giờ không thể đùng một cái ban hành ra Nghị định cấm. Như thế chưa thật khách quan. Cấm là gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Luật sư Vũ Văn Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đồng thời theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp được phép kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm. Không có điều khoản nào quy định về việc cấm/hạn chế "ngành nghề kinh doanh mua hộ vé số". Đã không có điều khoản cấm, điều khoản hạn chế thì không được cấm/hạn chế các ngành nghề kinh doanh đó được, nếu cố tình cấm/hạn chế sẽ bị coi là "Vi hiến", trái với nguyên tắc chung trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật".

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao nhiều ý kiến phản bác quy định cấm 'Mua hộ vé xổ số' tại Dự thảo mới của Bộ Tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO