Hàng loạt chợ ở Nghệ An xây xong rồi đóng cửa, bỏ hoang gây lãng phí. Trong khi các khu chợ tạm bên cạnh lại đông đúc, dù các gian hàng ở đây chỉ được bày bán tạm bợ, tiểu thương còn lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh.
Đình chính chợ Hưng Đông, xã Hưng Đông (TP Vinh) suốt nhiều năm qua luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Trong số đó, có những chợ được đầu tư hàng tỉ đồng từ ngân sách nhà nước hoặc do doanh nghiệp cùng với chính quyền xây dựng để gom dân vào buôn bán. Tuy nhiên, dù đã xây dựng xong nhiều năm vẫn chưa họp một lần.
Đầu tư tiền tỷ xây chợ xong rồi bỏ hoang
Năm 2018, chợ đầu Hưng Đông (xã Hưng Đông, TP Vinh) được xây dựng với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh của người dân và cải thiện tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị. Chợ hoàn thành với diện tích hơn 3.600 m², bao gồm 1 đình chính, 2 dãy ki ốt, các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, mương thoát nước thải.
Sau 6 năm đi vào hoạt động, chợ Hưng Đông chỉ có vài tiểu thương bán thịt trước cổng. Nguyên nhân được xác định do gần các chợ Già (xã Hưng Tây) và Quán Bàu, khiến người dân không đến mua sắm. Hiện nhiều hạng mục của chợ xuống cấp, hệ thống phòng cháy chữa cháy bị rỉ sét, cửa kính vỡ, một số ki ốt bị biến thành nơi phơi quần áo, cỏ mọc um tùm.
Lý giải nguyên nhân các tiểu thương không vào chợ buôn bán, ông Nguyễn Văn Khiêm Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho hay, chính quyền địa phương nỗ lực vào cuộc, tổ chức các hội chợ, trong đó giao cho mỗi tổ chức, đoàn thể 1 gian hàng, để duy trì hoạt động của chợ, nhưng chỉ sau thời gian ngắn không có khách.
Tại xã Tân Long (huyện Tân Kỳ), chợ Tân Long xây xong nhiều năm qua không có một bóng người. Chợ được xây dựng từ năm 2009, với nguồn kinh phí 1,1 tỉ đồng được huy động vốn từ ngân sách và người dân đóng góp. Hiện đình chợ Tân Long bị biến thành nơi chăn thả trâu, xung quanh cỏ mọc um tùm, khu vực đình chợ được người dân sử dụng đánh bóng chuyền, cầu lông. Nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, một số vị trí mái tôn bị gãy và thủng, hàng rào chắn phía sau chợ bị rút hết còn trơ khung bê tông.
Tương tự, chợ thực phẩm tươi sống tại xã Bài Sơn (huyện Đô Lương), xây dựng xong từ năm 2019 với vốn gần 2 tỉ đồng, cũng đang bỏ hoang. Mặc dù được đầu tư đầy đủ, với hơn 20 sạp bán thực phẩm tươi sống và các hạng mục phụ trợ nhưng do không sử dụng nên xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tủ bị hư hỏng, nền xi măng bong tróc, một số ki ốt bị người dân sử dụng làm nơi chứa củi, phơi đồ.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn khá nhiều chợ xây dựng xong bỏ hoang như chợ Long Sơn (xã Long Sơn, huyện Anh Sơn), Cô Ba (xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu), Đồng Vàng (xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên), Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong)…
Bỏ hoang đến bao giờ?
Theo tìm hiểu, việc đầu tư xây dựng chợ xuất phát từ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, khi chợ mới xây dựng khang trang và sạch sẽ lại bị bỏ hoang, trong khi đó, khu chợ tạm gần đó lại đông đúc buôn bán, dù các gian hàng ở đây chỉ được bày bán tạm bợ, ọp ẹp. Một số tiểu thương còn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh.
Ông Đào Danh Hà, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn (huyện Đô Lương) cho biết, đang nỗ lực triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động tiểu thương vào khu chợ thực phẩm tươi sống, nơi có hạ tầng đồng bộ để buôn bán. "Việc đưa tiểu thương vào chợ buôn bán gặp khó khăn vì thói quen của người dân thường thường xuyên mua hàng ở khu vực gần ngoài cổng", ông Hà nói.
Trước thực trạng các chợ truyền thống vắng khách, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết, một phần nguyên nhân là do sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, chuyển từ mua sắm trực tiếp sang hình thức thương mại điện tử, khiến hoạt động buôn bán tại các chợ ngày càng giảm sút.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống, Sở Công Thương đưa ra một số giải pháp. Đối với các chợ đang hoạt động kém hiệu quả, cần thực hiện phương án chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, các chợ ở các khu vực thành phố, thị xã, và trung tâm các huyện nên chuyển đổi mô hình, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chợ truyền thống và phát triển các tổ hợp dịch vụ thương mại.
Đặc biệt, đối với các chợ mới sắp được đầu tư xây dựng, các địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thực tế của người dân, chọn vị trí tại các khu vực đông dân cư hoặc gần các khu đô thị, khu công nghiệp, nhằm tránh tình trạng xây dựng chợ mà không có người mua bán.