Vì sao ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh được đề nghị giảm án?

Mạnh Hùng 25/09/2024 14:02

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã tác động gia đình tích cực khắc phục hậu quả, đã khắc phục số tiền rất lớn là toàn bộ hậu quả vụ án… Đây là tình tiết để làm căn cứ xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

da9af3a17e74d82a8165.jpg
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay

Khắc phục hơn 8.600 tỷ đồng

Ngày 25/9, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thừa nhận những nội dung mà bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội tuyên ngày 27/3.

Bị cáo khai: "Ngay từ đầu giai đoạn phát hành trái phiếu, bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản, mà mục đích để đầu tư vào các dự án của tập đoàn đang quản lý. Hiện, bị cáo đã khắc phục toàn bộ 100% hậu quả, đó là niềm an ủi bởi vì mình sai phạm thì phải sửa".

Bị cáo Đỗ Anh Dũng giãi bày, bị cáo luôn mong muốn được giảm án để tiếp tục cống hiến cho xã hội, cùng Tân Hoàng Minh nối tiếp hoạt động kinh doanh, trả nợ ngân hàng, trả lãi cho nhà đầu tư.

HĐXX cho biết, trước phiên xử phúc thẩm, nhiều bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dũng; bị cáo có bố vợ là người có công với cách mạng và Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng có nhiều đóng góp từ thiện cho xã hội. Đây là những tình tiết mới để HĐXX phúc thẩm xem xét.

Đề nghị giảm 6-9 tháng tù

Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã xuất trình thêm một số tình tiết mới để làm căn cứ cho tòa xem xét. Trong đó, tài liệu mới thể hiện bị cáo Dũng đang phải điều trị bệnh ung thư dạ dày.

Bị cáo cũng tác động gia đình tích cực khắc phục hậu quả, đã khắc phục số tiền rất lớn là toàn bộ hậu quả vụ án. VKS thấy đây là tình tiết để làm căn cứ xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dũng.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đỗ Anh Dũng từ 6 - 9 tháng tù (mức án sơ thẩm 8 năm tù).

96fcfdbe716bd7358e7a.jpg
Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội

Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Văn Tú (người bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng) đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết để bác đơn kháng cáo đề nghị tăng mức án của bị hại, đồng thời chấp nhận kháng cáo xin giảm án của bị cáo, bởi: tại giai đoạn phúc thẩm có 262 đơn của các pháp nhân, cá nhân xin giảm hình phạt cho bị cáo.

Toàn bộ bị hại đã được nhận lại tiền của mình; bị cáo tích cực tác điều tra, khắc phục hậu quả; bị cáo cùng Tập đoàn Tân Hoàng Minh có đóng góp đáng kể cho ngân sách, giải quyết việc làm...; bị cáo được nhiều Bằng khen và tham gia vào các hoạt động từ thiện.

af4547afca7a6c24356b.jpg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Về phần dân sự, Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố các giao dịch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và giao dịch bảo đảm cho trái phiếu đều là vô hiệu do vi phạm. Các bên nhận tài sản bảo đảm phải hoàn trả cho Tân Hoàng Minh.

Trong lời nói sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo mong HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm về với gia đình và cống hiến làm việc cho Tập đoàn. Ngoài ra, bị cáo cũng đã có tuổi, bị bệnh nền.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng.

Trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ và để có tiền chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.

Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.

Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng.

Số tiền huy động được, bị cáo Dũng và đồng phạm chi tiêu vào nhiều việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu. Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ án chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng và hiện số tiền này đã giao nộp để hoàn trả cho các bị hại.

Trong vụ việc, các đơn vị tham gia tư vấn phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký số trái phiếu trên gồm Công ty Chứng khoán An Bình; Chứng khoán Bảo Việt; Chứng khoán Everest; Chứng khoán Agriseco; Chứng khoán KIS Việt Nam.

Quá trình phát hành trái phiếu, nhóm doanh nghiệp Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo với các ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, trung tâm kinh doanh và Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân.

Theo quy định, các ngân hàng phải giám sát mục đích sử dụng tiền có được từ phát hành trái phiếu theo đúng mục đích phát hành. Tuy nhiên, các ngân hàng không thực hiện việc này.

Tuy nhiên, CQĐT xác định các cá nhân thuộc Vietcombank, Viettinbank "không có dấu hiệu thông đồng, thỏa thuận với các tổ chức phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư". Do vậy, họ không bị xử lý hình sự.

Theo congly.vn
https://congly.vn/vi-sao-ong-chu-tap-doan-tan-hoang-minh-duoc-de-nghi-giam-an-452258.html
Copy Link
https://congly.vn/vi-sao-ong-chu-tap-doan-tan-hoang-minh-duoc-de-nghi-giam-an-452258.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh được đề nghị giảm án?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO