Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính, có thể gây ra một số hậu quả nặng nề như thiếu máu, suy kiệt, thủng ruột,... thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời.
Nguyên nhân của viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên yếu tố di truyền và môi trường là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Do di truyền: Khoảng 10 – 25 % những người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có người thân (anh chị em ruột hoặc cha mẹ) mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại trực tràng chảy máu hoặc bệnh Crohn).
Do môi trường: Nhiễm trùng, thói quen ăn uống kém lành mạnh, nhiều đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ cùng với chất kích thích, thức uống có cồn đều dễ dẫn tới tổn thương đại trực tràng.
Các triệu chứng của bệnh có thể kể đến bao gồm:
- Người bệnh đau bụng, có thể đau âm ỉ hoặc đau thành cơn, quanh rốn, dọc khung đại tràng .
- Đầy chướng bụng khó chịu.
- Rối loạn đại tiện, chủ yếu là đại tiện phân lỏng, nhiều lần trong ngày, phân sống có thể có nhày máu hoặc đại tiện táo bón, sau bãi phân có nhày máu hoặc táo lỏng xen kẽ; mót rặn, sau đại tiện đau hậu môn.
- Có thể gầy sút cân, sốt hoặc có tình trạng thiếu máu: da xanh nhợt, hoa mắt chóng mặt; cơ thể mệt mỏi.
- Có thể có các dấu hiệu ngoài tiêu hóa: sưng đau các khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ hóa đường mật.
Để chẩn đoán xác định, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm như: xét nghiệm máu , xét nghiệm phân, chụp X quang khung đại tràng, nội soi đại trực tràng.
Trong đó nội soi đại trực tràng giúp chẩn đoán và đánh giá mức độ tổn thương đại trực tràng; có thể sinh thiết trong khi nội soi đại trực tràng làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán nguyên nhân và phân biệt với các bệnh lý khác.
Hai mục tiêu chính trong điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu là kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Việc điều trị được viêm loét đại trực tràng chảy máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời, cụ thể:
– Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Các thuốc thường được dùng để điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu: các dẫn chất của 5-ASA (5- Aminosalicylic acid), Corticoid, các thuốc ức chế miễn dịch azathioprin, cyclosporin, trường hợp nặng dùng các thuốc sinh học.
– Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đủ năng lượng lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, rau sống, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là biện pháp duy nhất để điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, thường được áp dụng trong trường hợp thể nặng gây phình đại tràng nhiễm độc, nguy cơ thủng đại tràng, chảy máu tiêu hóa nặng, ung thư hóa hoặc khi bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Một số lưu ý cho bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu
Thói quen ăn uống không gây ra viêm loét đại tràng nhưng có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp hạn chế các đợt bùng phát bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý:
- Hạn chế sản phẩm từ sữa nếu không dung nạp sữa. Còn nếu sau khi uống sữa không gây ra vấn đề gì thì vẫn nên uống vì đây là nguồn cung cấp protein và canxi cần thiết.
- Hạn chế thực phẩm béo: bơ, bơ thực vật, xốt kem, thực phẩm chiên rán.
- Hạn chế chất xơ nếu gây ra triệu chứng xấu. Nên hấp, nướng, hầm rau quả.
- Không sử dụng thực phẩm cay, rượu bia, caffeine.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ăn 2-3 bữa mỗi ngày.
- Uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc.
- Bổ sung vitamin & muối khoáng.
Ngoài ra, tránh căng thẳng (stress), mặc dù không gây ra viêm loét đại trực tràng chảy máu nhưng căng thẳng có thể khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Do đó cũng nên học cách chấp nhận và sống chung với bệnh viêm loét đại trực tràng, không cần lo lắng hay chán nản. Hạn chế căng thẳng bằng cách tập thể dục, yoga , ngồi thiền, đi dạo, thư giãn và tập thở.
Tóm lại: Viêm loét đại trực tràng chảy máu là căn bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm, có thể gây nên những biến chứng như thủng hoặc phình giãn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa thậm chí là ung thư. Chính bởi vậy, mỗi người đều nên thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 năm 1 lần để tầm soát bệnh lý không chỉ về đường tiêu hóa mà còn là tổng quát toàn bộ cơ thể.
Khi có các dấu hiệu bệnh lý, điển hình như rối loạn đại tiện, đau bụng thường xuyên thì nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và kịp thời tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, có phương pháp điều trị phù hợp.