Viêm mũi xoang cấp tính cần phân biệt với bệnh nào?

23/10/2022 07:01

Viêm mũi xoang cấp là bệnh rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người dân sống ở thành phố bị viêm xoang nhiều hơn ở nông thôn.

Tuy vậy, với các biểu hiện sốt nhẹ, khô cổ, rát cổ, đau đầu…cũng là biểu hiện của các bệnh khác của đường hô hấp. Vậy viêm mũi xoang cấp tính cần phân biệt với bệnh nào? Dưới đây là thông tin về vấn đề này.

Viêm mũi xoang cấp do đâu?

Viêm mũi xoang cấp là tình trạng viêm xảy ra trên niêm mạc vùng mũi – xoang hồi phục lại hoàn toàn sau 4 tuần. Thông thường bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng: ngạt mũi, sung huyết mũi, chảy mũi, chảy dịch xuống họng, cảm giác nặng, căng trong mũi, nhức đầu,… do virus hoặc vi khuẩn gây ra, bệnh diễn biến dưới 4 tuần và có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Người ta ghi nhận rằng viêm mũi xoang cấp thường do nhiễm khuẩn, sau khi bị cảm cúm, viêm amidan, viêm mũi dị ứng . Các nghiên cứu cho thấy do cơ địa bị dị ứng với phấn hoa, bụi nhà, lông thú, vi sinh vật…cũng gây ra tình trạng viêm mũi xoang cấp. Điều này giải thích vì sao khi thời tiết chuyển mùa, lạnh đột ngột tỷ lệ gia tăng các bệnh đường hô hấp.

Nấm mốc trong môi trường làm nông nghiệp, nấm trong không khí hoặc các bệnh viêm răng hàm trên, viêm hốc mắt… cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm mũi xoang cấp.

Với những chấn thương ở vùng xoang dẫn đến tắc các lỗ thông xoang, lệch vách ngăn, dị vật hốc mũi cũng gây viêm mũi xoang cấp.

Viêm mũi xoang cấp tính cần phân biệt với bệnh nào? - Ảnh 1.

Người bệnh đau nhức vùng mặt – đây là dấu hiệu chính của viêm mũi xoang cấp

Biểu hiện viêm mũi xoang cấp và cần phân biệt với bệnh nào?

Bệnh viêm mũi xoang cấp thường khởi phát đột ngột, sau nhiễm lạnh. Khi mắc người bệnh có thể sốt cao 38 – 39 độ C hoặc chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi. Người bệnh đau nhức vùng mặt – đây là dấu hiệu chính và thường đau nhức về đêm và sáng do bị ứ đọng dịch mủ xuất tiết, đau thành từng cơn nhức đầu.

Các than phiền khi khám cho thấy, người bệnh đau nhiều nhất là vùng quanh mắt, đau theo nhịp đập, đau nhiều nhất lúc 8 đến 11 giờ. Kèm theo là các biểu hiện khác như: hắt hơi, cảm giác nóng rát, nhức vùng mũi xoang. Người bệnh bị ngạt mũi 2 bên, từng lúc hoặc liên tục gây giảm hoặc mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về đêm.

Chảy dịch mũi nhày, trong, không có mùi. Nếu người bệnh viêm mũi xoang cấp sau cúm sẽ có dịch trong, nhầy hoặc mủ vàng đục, hôi. Nếu viêm mũi xoang nhiễm khuẩn đôi khi xì mũi mạnh có thể thấy tia máu. Có thể kèm theo đau rát họng, ho, khàn tiếng.

Viêm mũi xoang cấp cần chẩn đoán phân biệt với bệnh nào?

Với các biểu hiện tương tự các bệnh đường hô hấp viêm mũi xoang cấp cần phân biệt với các bệnh sau:

-Với bệnh viêm mũi do virus (cảm cúm)

Để phân biệt với viêm mũi xoang cấp là một vấn đề khó khăn bởi viêm mũi do virus bởi hai bệnh có diễn biến và triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, nếu thăm khám bác sĩ sẽ thấy có mủ trong hốc mũi có thể nghĩ tới viêm mũi xoang cấp.

Nếu là viêm xoang, các triệu chứng viêm mũi có diễn biến xấu đi sau 5 ngày hoặc kéo dài hơn 10 ngày. Triệu chứng cấp tính của một bên mặt cũng liên quan hơn tới viêm xoang. Còn viêm mũi do virus sẽ kích thích sản xuất chất nhầy, gây hắt hơi, sổ mũi và nhiều triệu chứng khác.

- Với đau nhức khớp thái dương hàm

Trên thực tế, viêm mũi xoang cấp cũng có biểu hiện đau nhức mặt và có thể nhầm với đau nhức khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, với đau nhức khớp thái dương hàm thường là đau vùng góc hàm, thái dương, vùng duới hàm, đau có thể lan sang gáy, cổ, hay xuống dưới cánh tay. Người bệnh đau trước tai, trong tai, há miệng có tiếng khớp kêu lục cục hoặc không há được, ăn nhai khó khăn, có thể đau các răng… bệnh gây ảnh hưởng đến trí nhớ và chất lượng cuộc sống.

-Với bệnh đau đầu và đau nửa đầu

Nhiều người bệnh khi có biểu hiện đau đầu và đau nửa đầu nghi ngờ mình bị viêm mũi xoang tái phát. Tuy nhiên, đau nửa đầu có đặc điểm là đau ở một bên và kéo dài từ 4-72 giờ. Và người bệnh thường nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, cóng mặt, mờ mắt và mệt mỏi…Sau khi uống thuốc giảm đau cảm giác căng ở vùng trán như đeo đai cùng với đau đầu đặc thù sẽ giảm đi ở những ngày sau đó.

-Với đau răng và đau dây thần kinh số V

Với tiền sử viêm xoang, nhiều người bệnh khi đau răng và đau dây thần kinh số V có thể nhầm với đau do viêm xoang. Nhưng nếu đau dây thần kinh số V có thể gây ra cơn đau nhói kịch phát theo đường đi của dây thần kinh số V. Cảm giác này trái với triệu chứng đau kéo dài liên tục của viêm xoang.

-Với u xoang

Nhiều người mắc viêm xoang khi có triệu chứng tương tự thường chủ quan tự mua thuốc điều trị hoặc không chú ý đến các biểu hiện khác. Trong khi đó viêm xoang cũng có thể nhầm lẫn với u xoang. Mặc dù u xoang không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu có tiền sử tắc mũi và chảy máu mũi một bên cần chụp CT Scanner và nội soi mũi. X quang, u xoang được thể hiện ở một bên và xương bị ăn mòn.

Tóm lại. Viêm mũi xoang cấp là vấn đề thường gặp có thể tái phát khi thời tiết chuyển mùa nhất là mùa lạnh mưa như hiện nay. Để điều trị hiệu quả, tránh nhầm lẫn dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe, khi có biểu hiện người bệnh cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và tư vấn điều trị cụ thể. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo, tự điều trị dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

BS CKII Vũ Hải

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Viêm mũi xoang cấp tính cần phân biệt với bệnh nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO