PLBĐ - Viêm thần kinh tiền đình là một trong những bệnh lý liên quan đến rối loạn tiền đình, tuy không phải là bệnh thường gặp nhưng tác động của nó cũng rất nghiêm trọng.
Viêm thần kinh tiền đình là bệnh lý viêm dây thần kinh ở tai trong, ảnh hưởng đến dây thần kinh tiền đình gây ra cơn chóng mặt dữ dội.
Dây thần kinh tiền đình là một phần của thần kinh tiền đình ốc tai, đi qua tai trong và có nhiệm vụ là đảm bảo sự thăng bằng cho cơ thể. Khi tai giữa bị viêm nhiễm thì tai trong cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bệnh lý này tuy hiếm gặp nhưng khi có những rối loạn bên trong cũng sẽ gây ra các biến chứng khó lường, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Biểu hiện của viêm thần kinh tiền đình
Những biểu hiện của viêm thần kinh tiền đình rất dễ gây nhầm lẫn với các biểu hiện thông thường khác. Tùy theo từng mức độ nghiêm trọng khác nhau, chúng ta có thể nhận diện bệnh qua những biểu hiện như: Hoa mắt, chóng mặt; Không tập trung; Giảm thính giác; Mất thăng bằng; Không nhìn rõ, mờ ảo; Buồn nôn, ù tai.
Những triệu chứng của viêm thần kinh tiền đình kéo dài từ 24 - 48 giờ, cảm giác quay cuồng và thiếu thăng bằng, sau đó là buồn nôn, chóng mặt và đổ mồ hôi. Rối loạn này biến mất rất chậm và kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày có khi là vài tháng. Do đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất khó chịu, sinh hoạt khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đến viêm thần kinh tiền đình
Theo các bác sĩ chuyên khoa, chứng viêm dây thần kinh tiền đình thường do các nguyên nhân như: Do một số loại virus (virus cúm, virus thủy đậu,...); Nhiễm trùng ở hệ hô hấp hoặc hệ tiêu hóa; Stress, căng thẳng quá độ; Chấn thương đầu; Giảm lưu lượng máu ở tai trong; Dị ứng với một số thành phần trong thuốc.
Ngoài những tác nhân trên còn phải kể đến việc người bệnh thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại như: rượu bia, thuốc lá.... đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên viêm thần kinh tiền đình.
Những nguyên nhân trên sẽ làm cho việc truyền thông tin của dây thần kinh bị rối loạn dẫn đến cảm giác thăng bằng bị thay đổi. Điều này có nghĩa là hệ thống tiền đình không gửi thông điệp đến não tốt như bình thường, do đó bệnh nhân cần đặc biệt chú ý trong đi đứng để tránh bị té ngã hay choáng váng đến ngất xỉu.
Khi xuất hiện một vài triệu chứng như chóng mặt, ù tai,... bạn cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết, qua đó chẩn đoán xem có bị viêm thần kinh tiền đình không.
Chẩn đoán bệnh không chỉ giúp người bệnh phát hiện ra những tổn thương thần kinh tiền đình ở não bộ và viêm nhiễm tai trong do vi khuẩn hoặc do virus gây ra mà còn có thể xác định những triệu chứng tương tự của các bệnh nguy hiểm khác như đột quỵ, u não,....
Thông thường các triệu chứng của viêm thần kinh tiền đình sẽ không cần điều trị, sau vài ngày có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, để phục hồi nhanh người bệnh thường xuyên tập những bài tập cử động đầu và mắt; Uống thuốc chống buồn nôn, chóng mặt (an thần, giãn mạch,...); Uống thuốc kháng sinh do vi khuẩn; Thuốc chống ù tai; Làm phẫu thuật loại bỏ khối u ( nếu có).
Thực tế điều trị viêm thần kinh tiền đình bằng thuốc chỉ áp dụng ở giai đoạn ban đầu và có phương án xử trí những tình trạng này có thể sẽ kiểm soát được cơn chóng mặt cấp tính.
Ngoài ra, người bệnh vẫn có thể tự điều trị tại nhà thông qua việc cải thiện lối sống lành mạnh và khoa học.