Nhân dịp sắp trở lại màn ảnh rộng với phim kinh dị "Ma da", nghệ sĩ Việt Hương chia sẻ về cuộc sống viên mãn bên chồng hiền, con ngoan.
"Tôi có thể đứng dậy đền tiền rồi đi về nhưng..."
- Từng chia sẻ về hành trình quay phim "Ma da" nhọc nhằn đến nỗi bị lệch mặt do ngâm nước quá nhiều, hẳn nghệ sĩ giàu như Việt Hương không dại gì chịu khổ đến mức này chỉ vì cát-sê?
Tôi thích kịch bản này, nhất là chất Tây Nam Bộ của nó. Tôi thành danh nhờ được người miền Tây yêu quý; đi diễn khắp miền Tây, ăn dầm nằm dề bao lâu cũng được người dân nuôi. Nhiều người tưởng tôi là dân miền Tây dù ba má sinh tôi ra ngay con đường Trần Nhân Tôn (Quận 10, TPHCM) này.
Khi vào ghi hình, tôi mới vỡ lẽ ra mình không biết gì hết. Không biết về nghề vớt xác, không biết lặn, không biết dưới nước có gì, lái vỏ lãi làm sao, xử lý sình bùn kiểu nào...
Tôi chưa từng thấy phim nào từ diễn viên tới ê-kíp phần lớn thời gian ngâm mình dưới nước như phim này. Tụi tôi nói vui với nhau về kinh nghiệm quay phim ở sông nước, chắc cả Việt Nam không ai làm lại.
Dù gần 2 năm rồi, lần nào nhắc lại cũng ám ảnh. Sau này ai mời quay phim ở sông nước giống vậy nữa, tôi né luôn.
Bạn nói đúng. Tôi nghĩ mình đang có sự nghiệp kinh doanh ổn định, sau lưng còn ông xã, gia đình và những mối quan hệ rất mạnh trong giới này.
Tôi hoàn toàn có thể chọn sống sung sướng, bận đồ đẹp, đi xe sang... nhưng không tôi mê đóng phim và muốn chinh phục bản thân bằng cách này.
Để vào vai bà vớt xác, tôi phải phun nhuộm da, ra ngoài phơi nắng và lội nước cho phèn thực sự ăn vào tay chân.
Một bữa quay, người dân ở đó nghe tin có Việt Hương đến quay phim liền chạy rần rần tới. Họ đứng trên cầu nhìn tôi chằm chằm rồi nói: "Có phải Việt Hương đâu, nó thấy ghê vậy mà".
Tôi nhìn lại mình lúc đó: nám, đen sạm, tóc tai lởm chởm, mặc cái áo thòng xuống tới chân, trông lôi thôi hơn cả một người dân cùng khổ ở đây.
Đó là đam mê. Không ai có thể trả tiền để bắt tôi làm vậy. Thậm chí lúc đó, tôi có thể đứng dậy, đền đầy đủ tiền hợp đồng rồi bay về Sài Gòn.
Hàng trăm người trầm mình xuống nước lúc 3h rưỡi sáng vì 1 cảnh quay, đó không phải là vấn đề của tiền mà vì cái tình, vì thành phẩm mang tới khán giả.
Mỗi lần xong một cảnh quay, tôi sướng. 1-2 năm nữa, nếu có vai nào làm tôi thấy sướng như vậy, tôi vẫn sẽ làm. Vì nghề chọn mình rồi.
Xin được làm nô tỳ
- Nghe nói có cả tình huống nguy hiểm đến tính mạng?
Có một đoạn tôi quay ở dòng nước ngược, do chủ quan nên cứ vậy bơi vòng qua ngã ba sông đến khúc bên kia nước xuôi. Không ngờ, nước chảy mạnh khủng khiếp, tôi bị cuốn trôi.
May mà các bạn ê-kíp bình tĩnh nắm chặt sợi dây đang cột người mình kéo lại, tôi mới lần lần vô bờ được. Sau vụ đó, tôi rút kinh nghiệm không được tài lanh. Ông bà có câu "Nhất thủy, nhì hỏa", trước sông nước, con người nhỏ bé như nhau!
- Chị hướng cái đỉnh cụ thể nào trong sự nghiệp, như danh xưng "Bà hoàng phòng vé" chẳng hạn?
Bạn tôi được mệnh danh "Vua phòng vé" nói danh xưng này gây áp lực khủng khiếp, cứ như bị tra tấn, riết thành bệnh tâm lý. Bạn thành công được coi là đương nhiên, còn thất bại sẽ lãnh đủ.
Tôi làm gì cũng không muốn mình ở vị trí thứ nhất. Trong một block nhà, tôi không bao giờ mua căn đầu tiên.
Tôi luôn dặn đàn em, các học trò đừng kêu "chị Hai", "chị Ba" hay bất cứ danh xưng ngoài cái tên Việt Hương. Tôi không phải "Nữ hoàng gameshow" hay bất cứ bà hoàng nào hết.
Nếu được chọn giữa hoàng hậu và nô tỳ, hãy cho tôi làm nô tỳ - vài năm là được ra khỏi cung còn hoàng hậu phải ở trong đó suốt đời.
"Sống rất kỹ" bên chồng hiền con ngoan
- Tuổi 48, chị giữ gìn sức khỏe thế nào?
Lần đi khám gần nhất, các chỉ số của tôi đẹp vô cùng. Tôi tin kết quả đó do bản thân đã sống rất kỹ.
Chuyện ăn uống cực kỳ quan trọng. Từ hồi lớn lên, tôi có khoảng 3 năm ăn ngoài đường, sau đó chỉ ăn cơm mẹ nấu. Mẹ mất, chị Hai thay thế. Khi già yếu, chị lại giao cho 1 "đệ tử" lo cơm nước cho tôi. Cô này nấu thanh đạm, ít dầu mỡ, tôi ở nhà hay đi tỉnh đều đưa theo để lo bữa ăn.
Tôi làm việc không nghỉ, không có thời gian tập thể dục (chỉ lâu lâu bơi, đi bộ) nên rất thận trọng với bất cứ cái gì bỏ vô miệng.
Tinh thần cũng rất quan trọng. Tính tôi ưa nói thẳng, có gì lôi ra giải quyết liền nên đêm đặt lưng xuống giường là ngủ say, ngủ sâu tới sáng. Chưa bao giờ tôi rơi vô cảnh trăn trở, đau khổ đến mất ngủ, phải nằm đếm bò, đếm cừu.
- Ông xã đóng vai trò gì trong sự nghiệp chị?
Tôi cắt tóc tém, anh nói: "Được nè, ok nè em". Tôi cạo đầu, anh nói: "Đầu trọc nhìn lạ nha".
Tôi lu bu công chuyện, anh kêu: "Sao lâu quá không thấy ăn nhậu gì hết vậy? Làm ly vang đỏ đi. Anh xuống nướng cho miếng thịt bò, nay nhà hàng vô mẻ thịt ngon lắm".
Khi tôi nhận phim Ma da , anh phải lo rất nhiều việc công ty trong khi chúng tôi vừa làm thêm 1 nhà máy để ra bánh cho kịp Trung thu.
Một người đàn ông ủng hộ tôi vô điều kiện. Một người làm hết việc cho tôi ngồi đây trả lời phỏng vấn. Chỉ khi yêu, người ta mới thấy cái gì làm được là làm ngay cho bạn.
Tụi tôi mới làm kỷ niệm 18 năm hôn nhân. Sống với nhau, hai người phải biết nhịn để dung hòa. Đối với người chồng như anh Phương, tôi phải dành sự tôn trọng tương xứng.
Đến việc đặt cái bàn ở đâu, tôi cũng hỏi. Anh nói: "Hổng lẽ đặt trên nóc nhà" nhưng tôi biết ảnh vui. Hay cái két sắt bị sứt bản lề, tôi đâu có đui mà không thấy nhưng cứ hỏi: "Nó bị làm sao vậy anh?".
Tôi cứ hỏi, lâu lâu nhõng nhẽo vậy đó, ảnh thấy vợ mình cái gì cũng không biết ảnh mới thương. Tôi hay gọi là "nghệ thuật sống với nhau".
Anh không bao giờ cản tôi lăn xả với nghề. Tại ảnh mê nghề y chang! Nhà nào cũng làm phòng thu, có cái bên Mỹ bự, đẹp chấn động, mà có ai vô thu đâu? Tôi kêu: "Anh nên đổi cái biển thành 'phòng chi' thay vì 'phòng thu', tại thấy toàn chi ra chứ không có thu vô".
Ảnh cũng mê đàn, lâu lâu khoe "mới mua được cục sound này đánh lên nghe hay lắm". Tôi có biết cục gì đâu nhưng cũng ngồi nghe, cũng khen hay rồi hỏi han này kia.
Đó là đam mê của người ta, bạn phải tôn trọng. Bạn cản người ta chơi cái này, họ sẽ ra ngoài chơi cái khác.
- Con gái về Việt Nam sống hơn 2 năm nay, với chị có ý nghĩa ra sao?
Ban đầu, tiếng Việt của Elyza hơi yếu. Thông qua những bữa cơm gia đình, chúng tôi đưa con dần dần hòa nhập nếp sống Việt Nam.
Vợ chồng tôi dạy Elyza tính chia sẻ từ nhỏ, cái bánh, cái kẹo cũng được. Bạn tới nhà, con còn lấy đồ chơi cho. Tới giờ, con vẫn sống rất biết điều.
Elyza học tốt, ở bên kia top 3, về đây cũng top 5 trường. Tôi vui lắm nhưng hay nói "Con học sao cũng được, miễn sao vui là được" để bé không áp lực.
Tôi và anh Phương không muốn con lớn lên ở thành phố bị ngột ngạt nên cho bé chơi thể thao từ nhỏ. Con đi học về có thể ra sân bơi, chơi cầu lông, bóng chuyền. Phòng bé rất bự, có phòng tắm, phòng mát-xa. Khi phát hiện bé có khả năng ngôn ngữ, tôi cho con học tiếng Trung, Tây Ban Nha.
Có lần, Elyza chơi cầu lông bị đau tay. Con mở cửa gọi mẹ nhưng lại hỏi cha đâu. Tôi buồn, có lẽ con không cảm thấy tôi cho nó sự an toàn. Nhưng tôi hiểu con sống với ba từ nhỏ nên sẽ gần ba hơn.
Anh Phương là giáo viên nên dạy con hơi nghiêm. Tôi thì muốn con thoải mái, lâu lâu hay giỡn: "Con chơi tới bến đi, lớn mẹ lo hết. Mẹ có của hồi môn. Chưa kể mẹ vợ 'mỏ hỗn' như mẹ không ai dám làm gì con đâu". Cứ từ từ, bé không thấy có khoảng cách nên gần gũi mình.