Nước ta đang phải đối diện với bài toán vô cùng nan giải, trong khi có tỷ lệ thừa cân, béo phì chỉ chiếm khoảng 2% (thấp nhất Đông Nam Á) thì tỷ lệ suy dinh dưỡng đang ở mức cao đến 24,3%.
Tỷ lệ béo phì ở Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á
Theo dữ liệu về dinh dưỡng từ NCD Risk Factor Collaboration, tỷ lệ thấp còi ở độ tuổi 5-19 của Việt Nam đạt mức cao (nam 42,1%, nữ 38,3%). Trong khi đó, tình trạng béo phì chỉ chiếm một con số rất nhỏ (nam 3,7%, nữ 1,3%).
Một nghiên cứu khác của Đài quan sát y tế toàn cầu (Global Health Observatory) thuộc Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ béo phì tại Việt Nam năm 2016 ở mức 2,4% đối với nhóm người 5-19 tuổi và 2,1% với người trưởng thành (trên 18 tuổi).
Theo báo cáo này, Việt Nam là nước có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, Thái Lan là quốc gia xếp thứ hai, khoảng 32,2% dân số. Malaysia đứng đầu khu vực, chiếm 44,2%. Năm 2016, tỷ lệ thừa cân, béo phì trung bình của thế giới là 39%.
Dinh dưỡng cho trẻ em và vị thành niên
Song song với việc giảm tình trạng thừa cân béo phì trong bối cảnh hiện tại thì việc tìm ra giải pháp để tăng tầm vóc cho trẻ em nói riêng và dân số Việt Nam nói chung là điều cần thiết và vô cùng cấp bách. Thay vì bắt ép trẻ ăn theo kiểu "nhồi nhét" vô tội vạ hay kiêng khem nhiều thứ thì các bậc phụ huynh cần trang bị đúng và đầy đủ những kiến thức dinh dưỡng về thể chất của con để mang đến điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ.
Lứa tuổi 5-19, đặc biệt là vị thành niên (10-18 tuổi) phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục... Muốn nâng cao tầm vóc và phát triển thể chất cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển lứa tuổi này, cần phải bảo đảm cung cấp đủ năng lượng tùy từng độ tuổi cụ thể.
Đối với giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, cần cung cấp lượng đạm hơn người trưởng thành, chiếm 14-15% tổng số năng lượng trong khẩu phần, tương đương 70-80g/ngày. Chất béo (dầu, mỡ) nên chiếm 20-25% năng lượng khẩu phần và chất bột đường cung cấp năng lượng chính cho cơ thể chiếm 60-70% năng lượng. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất như Canxi, Sắt, Kẽm, vitamin nhóm B, C, A, D…
Chính phủ khuyến khích việc cải thiện tầm vóc
Ngày 27/02, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra lễ Phát động “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” theo Quyết định 1092/ QĐ-TTg ngày 02/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một trong những mục tiêu chính của Chương trình là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân, với các nhóm giải pháp: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn và kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực: đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập…”
Không chỉ riêng ở Việt Nam, việc cải thiện tầm vóc trẻ cũng rất được chú trọng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, dự án “Let’s Move” cựu Đệ nhất phu nhân tổng thống Michelle Obama đưa ra nhằm hướng dẫn thanh thiếu niên nước Mỹ có kiến thức về dinh dưỡng lành mạnh, cách sinh hoạt, tập thể dục thể thao và tham gia các bài tập nhảy và vận động vui nhộn để nâng cao sức khỏe.
Một số nước phát triển khác như Nhật, Canada, New Zealand cũng tập trung vào các chính sách và chương trình giáo dục về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và tăng cường vận động.
Có thể nói, chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh chính là "chìa khóa vàng" để trẻ phát triển toàn diện cả về chiều cao, cân nặng khi trưởng thành. Các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình kiến thức đúng về chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để mang đến cho trẻ sức khoẻ tốt.
Đây mới chính là điều kiện để giúp trẻ phát triển toàn diện và học tập tốt, trở thành người công dân khỏe mạnh và có ích, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước mai sau.
(Theo Pháp luật Việt Nam)