Ban lãnh đạo Vietcombank và MB đều cho biết sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để hai "ông lớn" này có thể tăng trưởng vượt trội trong những năm tới.
Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
Đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố chính thức, nhưng các thông tin trên thị trường cho thấy Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank, còn MB sẽ tiếp nhận OceanBank. Trước đó, cổ đông của hai ngân hàng này đều đã thông qua phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Vietcombank có thể nhận được một loạt chính sách ưu đãi
Trong tài liệu phục vụ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết việc nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém sẽ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông của Vietcombank.
Theo đó, hoạt động này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới,...Cụ thể, Vietcombank sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB bao gồm:
Vietcombank được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của ngân hàng; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế;
Bên cạnh đó, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu Vietcombank đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận CGBB TCTD; Vietcombank được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của TCTD); Vietcombank được mở thêm Chi nhánh/PGD trên các địa bàn tỉnh thành phố với số lượng tối thiểu bằng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có số chi nhánh/PGD thấp nhất trên địa bàn.
Ngoài ra, Vietcombank không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận CGBB với tư cách là một ngân hàng con của Vietcombank, các giao dịch liên quan đến tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, ban lãnh đạo Vietcombank tiếp tục nhấn mạnh lại những lợi ích khi tiếp nhận ngân hàng yếu kém.
Theo ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT, nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số).
"Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này", ông Hùng thông tin.
MB có thể tăng trưởng vượt trội sau khi tiếp nhận ngân hàng yếu kém
Với MB, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết tại ĐHĐCĐ 2024 rằng: "Nếu được phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng thì mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ cao hơn".
Trước đó, ban lãnh đạo của MB cũng đã nhiều lần chia sẻ về những lợi ích khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5~ 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Đồng thời, việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc (dự kiến khoảng 401 điểm mạng lưới trên toàn quốc) cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MB tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của MB.
Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MB.
Tại tờ trình cổ đông năm 2022, ban lãnh đạo MB cho biết sẽ được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém như: MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc; MB được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB; MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Ngoài các lợi ích nêu trên, thời gian vừa qua, NHNN cũng đã công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư 30/2019/TT-NHNN và Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP; trong đó có cơ chế hỗ trợ riêng dành cho các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 30/2019/TT-NHNN, các TCTD là bên nhận chuyển giao ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Còn theo Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, mức room ngoại tối đa của những nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ do Chính phủ quyết định. Tỷ lệ này được phép vượt quá mức room ngoại tối đa 30% tại các ngân hàng (theo quy định hiện hành), nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc.