“Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 1-2 ngày. Môi trường càng ẩm, lạnh thì virus tồn tại càng lâu. Tốc độ lây lan của virus cúm rất nhanh nên rất dễ hình thành các ổ dịch trong cộng đồng”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) nhận định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, Thành phố đã phát hiện ổ dịch cúm A /H1N1 tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, Quận 10. Theo đó, chỉ trong 2 ngày 15 – 16/3 đã có 20 em học sinh nghỉ học bất thường với các triệu chứng giống nhau như sốt, ho, đau họng , mệt mỏi, ói, có nhiều học sinh sốt đến 39 độ C.
Nghi ngờ trẻ bị cúm, các bác sĩ đã lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm, gửi về Viện Pasteur TP.HCM để tiến hành phân lập. Tới ngày 17/3, kết quả ghi nhận 6 mẫu đều dương tính với cúm A/H1N1 . Đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới.
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thực tế cúm A/H1N1 cũng là một loại bệnh nhiễm siêu vi (virus cúm) thông thường và là loại cúm mùa xảy ra quanh năm.
Bệnh nhân có thể khỏi bệnh từ 2-5 ngày, tối đa là 7-14 ngày. Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, chỉ trong vòng 12 tiếng đến 2 ngày, có nhiều trẻ chỉ sốt trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, do sự tăng sinh của virus cúm A nên virus này có thể lây lan với tốc độ rất nhanh, có thể hình thành các chùm ca bệnh và các ổ dịch bệnh nhỏ. Trường hợp virus cúm A có các đột biến gen thì nguy cơ gây ra dịch lớn là rất cao.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: " Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 1-2 ngày trong môi trường nhiệt độ thường. Đặc biệt, trong môi trường ẩm, lạnh thì virus có thể tồn tại lâu hơn. Vậy nên, khi bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 ho, khạc khiến các giọt bắn có chứa virus bám trên các bề mặt vật dụng, đồ chơi... rất dễ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh và gây nên các ổ dịch".
Để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, bác sĩ khuyên rằng, các gia đình và trường học cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi. Tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay thường xuyên, nên chủ động cho trẻ đi tiêm vaccine, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh và giáo viên cần theo dõi trẻ để phát hiện kịp thời các triệu chứng cảnh báo bệnh.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến chia sẻ, có nhiều loại virus có thể gây ra các biểu hiện tương tự cúm A/ H1N1 như như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức mình mẩy... Điển hình như virus đường hô hấp RSV , ở trẻ nhũ nhi có virus hợp bào hô hấp... Vậy nên rất khó để có thể phân biệt được cúm A/H1N1 với các loại virus khác.
Phụ huynh cần theo dõi trẻ nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường ở trẻ để có thể xử lý kịp thời. Khi trẻ có các dấu hiệu cảnh báo bệnh cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt hợp lý, dinh dưỡng phù hợp, thông đường hô hấp, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, dùng các thuốc ho dược thảo an toàn... Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như thở mệt, tím tái, ly bì khó thở... cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện ngay.
"Những trẻ mắc các bệnh nền, các bệnh về máu, tim bẩm sinh, thận, gan, trẻ sinh non, suy giảm miễn dịch rất dễ mắc cúm và rất dễ trở nặng nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới nhóm trẻ này. Ngoài ra, trẻ thừa cân béo phì cũng là một trong những đối tượng cần quan tâm đặc biệt. Thực tế cho thấy rằng trẻ dư cân béo phì có khả năng mắc cúm thấp nhưng khi đã nhiễm virus cúm thì khả năng trở nặng rất cao", bác sĩ Tiến khuyến cáo.