Một phụ nữ ở Đắk Nông giao sổ hồng giả cho người mua đất, còn chồng cũ cưa hạ cà phê trồng trên thửa đất và bị truy tố.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông xác nhận cơ quan này vừa ban hành cáo trạng (lần 2) truy tố ông Vũ Văn Viển (49 tuổi, ngụ xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) về tội hủy hoại tài sản.
Chồng cũ, vợ cũ và mảnh đất trồng cà phê tạo lập trong thời kỳ hôn nhân
Cáo trạng xác định: Ông Vũ Văn Viển và bà Nguyễn Thị Dung kết hôn, chung sống với nhau tại xã Quảng Khê.
Thửa đất liên quan vụ án. Ảnh: TIẾN THOẠI
Năm 2016, do mâu thuẫn trong cuộc sống, hai bên thuận tình ly hôn, không yêu cầu tòa án giải quyết về tài sản chung.
Tháng 6-2016, bà Dung và ông Viển làm văn bản thỏa thuận phân chia tài sản. Bà Dung được quản lý, sử dụng thửa đất rộng khoảng 2,5 ha.
Tháng 10-2016, bà Dung bán thửa đất trên cho ông Nguyễn Ngọc Ẩn với giá 790 triệu đồng. Ông Ẩn trả trước cho bà Dung 751 triệu đồng, còn lại khi nào có sổ hồng sẽ trả tiếp. Sau đó, bà Dung giao ông Ẩn quản lý, thu hoạch cà phê trên thửa đất.
Tháng 1-2018, ông Viển muốn ngăn cản việc mua bán đất nên thuê người đến cưa hạ 452 cây cà phê mà bà Dung đã bán cho ông Ẩn. Sau đó, ông Ẩn làm đơn tố cáo đến Công an huyện Đắk Glong.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Đắk Glong không thụ lý, giải quyết tin báo theo quy định.
Ông Vũ Văn Viển vướng tù tội vì thuê người cưa hạ 452 cây cà phê trên đất. Ảnh: TIẾN THOẠI
Năm 2020, qua công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện vụ việc nên yêu cầu Công an huyện Đắk Glong chuyển hồ sơ, tin báo để điều tra.
Tháng 5-2020, Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Viển để điều tra tội hủy hoại tài sản.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, trong lần điều tra đầu tiên, ông Viển khai thuê người cưa hạ 452 cây cà phê để trồng cây dược liệu. Ở lần điều tra lại, ông Viển khai thuê người cưa hạ cà phê để ghép, cải tạo cây.
Tuy nhiên, quá trình điều tra đủ căn cứ chứng minh không có việc trồng cây dược liệu, cách thức cưa gốc cây cà phê không phải là kỹ thuật cho việc ghép chồi...
Sổ hồng giả nhưng… chưa đủ căn cứ xử lý
Cáo trạng cũng xác định: Sau khi bán đất, tháng 8-2018, bà Dung và một phụ nữ tên Hồng đã cung cấp cho ông Ẩn một sổ hồng giả đứng tên ông Ẩn.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ông Vũ Văn Viển (bên trái) cho rằng chưa phân chia tài sản, chưa đồng ý bán đất. Ảnh: TIẾN THOẠI
Tuy nhiên, công an không xác định được bị can, không chứng minh được vai trò đồng phạm của bà Dung, bà Hồng.
Tháng 11-2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, bà Dung tự đánh máy nội dung phân chia 15 khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với ông Viển.
Sau đó, bà Dung sử dụng chữ ký của ông Viển (trước đây ông Viển ký sẵn vào giấy cho bà Dung làm hợp đồng với khách hàng) để in ra, nộp cho cơ quan điều tra, chứng minh ông Viển đã đồng ý phân chia tài sản bằng văn bản.
VKSND tỉnh Đắk Nông nhận định hành vi trên của bà Dung là làm giả giấy tờ, cung cấp tài liệu sai sự thật đối với vụ án hình sự.
Tuy nhiên, bà Dung không phải là chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi này, nên không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến nay, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đã hết, không có căn cứ để xử lý hành chính đối với bà Dung.
Thửa đất liên quan vụ án bị bỏ hoang mấy năm nay. Ảnh: TIẾN THOẠI
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông nói hành vi phạm tội của bà Dung bị “mờ”. Lý do bà Dung tin tưởng người làm sổ hồng cho bà là cán bộ, bà Dung không biết sổ hồng giả, bà cũng không yêu cầu làm sổ hồng giả.
“Do chưa xác định được đối tượng làm sổ hồng giả nên chưa đủ căn cứ để xử lý bà Dung”- lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông nói.
Liên quan vụ án, ông Ẩn nói: Ngày giao sổ hồng, bà Dung viết một giấy nhận sổ và yêu cầu ông chưa được sử dụng cho đến khi có công văn giao sổ của Sở TN&MT. Về sau, do tranh chấp, không canh tác được nên ông làm đơn tố cáo bà Dung hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản..
Trong khi đó, ông Viển cho rằng ông và bà Dung chưa chính thức làm văn bản phân chia tài sản, chưa đồng ý bán đất cho ông Ẩn.
Tòa cấp cao từng hủy án
Năm 2021, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm, phạt ông Viển hai năm sáu tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Sau đó, ông Viển kháng cáo kêu oan.
Xử phúc thẩm năm 2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định tòa cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, chưa xem xét chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Bản án phúc thẩm nhận định bà Dung có hành vi của các tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Vì vậy, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án, giao hồ sơ để VKSND tỉnh Đắk Nông điều tra, truy tố, xét xử lại, tránh làm oan, bỏ lọt người phạm tội.
Tháng 12-2023, VKSND tỉnh Đắk Nông vẫn ban hành cáo trạng truy tố ông Viển tội hủy hoại tài sản.
Cần xác định đã chia tài sản chung hay chưa Trao đổi với PV về vụ việc , TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết để truy tố ông Viển về tội hủy hoại tài sản thì điểm mấu chốt là cần phải xác định về việc ông Viển và bà Dung đã thực hiện xong việc tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và đã đồng ý thống nhất về nội dung phân chia này tại thời điểm bà Dung chuyển nhượng diện tích đất và cây cà phê cho ông Ẩn hay chưa. Theo bản án phúc thẩm thì ông Viển, bà Dung đang tranh chấp về tài sản chung (thể hiện sự không đồng ý với thoả thuận trước đó). Và sau này, bà Dung đã phải giao nộp cho cơ quan điều tra hai bản phân chia tài sản (phô tô đánh máy) giả đề ngày 15-5-2016 và ngày 15-6-2016. "Vì vậy, cần thiết phải làm rõ các nội dung nêu trên. Bởi lẽ, trong trường hợp ông Viển và bà Dung đã thống nhất đồng ý thỏa thuận phân chia tài sản vào thời điểm bà Dung chuyển nhượng cho ông Ẩn thì mới có cơ sở buộc tội ông Viển, nếu không thì việc định tội danh sẽ không hợp lý vì tài sản này vẫn coi là tài sản của ông Viển", TS Thảo nói. Đồng thời, theo TS Thảo, cần phải làm rõ về việc bà Dung có phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) theo nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm hay không. Bởi lẽ, tại phần nhận định trong bản án phúc thẩm, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng hành vi của bà Dung đã có dấu hiệu phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS). Tuy nhiên, trong bản cáo trạng mới nhất chỉ đề cập đến Điều 341 BLHS mà không làm rõ về hai tội danh này. Từ đó, có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm và giải quyết vụ án chưa được toàn diện. Còn theo Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), phần nhận định sau đây của VKS là chưa ổn: “bà Dung làm giả giấy tờ, cung cấp tài liệu sai sự thật đối với vụ án hình sự. Tuy nhiên, bà Dung không phải là chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi này, nên không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến nay, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đã hết, không có căn cứ để xử lý hành chính đối với bà Dung”. Theo LS Công, nếu xác định bà Dung làm giả giấy tờ để cung cấp tài liệu sai sự thật với vụ án hình sự mà đây lại là tài liệu quan trọng để buộc tội người bị tố cáo là ông Viển và ông Viển vì sự tố cáo này (cùng tài liệu kia) mà bị buộc tội thì không thể áp dụng Điều 382 BLHS “Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối”. Vì chủ thể áp dụng trong tội này là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật, người bào chữa chứ không phải là người tố cáo hoặc bị hại. Tuy nhiên, pháp luật đã dự liệu trường hợp này nên đã xây dựng nên tội “Vu khống” với tình tiết định tội quy định ở điểm b khoản 1 là “bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”. Theo quy định, hành vi huỷ hoại tài sản chỉ được cấu thành khi đó là tài sản của người khác. Do đó, quan trọng là việc xác định tài sản đó của ai – tài sản đã được chia hay chưa. Bản án phúc thẩm xác định bà Dung làm giả tờ phân chia tài sản nên đã gián tiếp khẳng định đây là tài sản chưa chia, tức ông Viển có 1 nửa. Nếu không có chứng cứ nào khác chứng minh tài sản đã được chia thì việc ông Viển phá phần cây cà phê trong phần diện tích đất của mình, hành vi không cấu thành nên bất cứ tội phạm nào. Về vấn đề bà Dung bán đất cho ông Ẩn, sau đó cung cấp sổ hồng giả mà được kết luận là “mờ” vì “bà Dung tin tưởng người làm sổ hồng cho bà là cán bộ, bà Dung không biết sổ hồng giả, bà cũng không yêu cầu làm sổ hồng giả” và “Do chưa xác định được đối tượng làm sổ hồng giả nên chưa đủ căn cứ để xử lý bà Dung” - như giải thích của vị lãnh đạo VKS tỉnh Đắk Nông là không thuyết phục. Bởi việc làm sổ hồng là thủ tục pháp lý của người chủ đất đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp. Chỉ cần một thủ tục điều tra đơn giản là xác định đơn vị nào cấp, ai là người liên quan đến việc cấp hay cuốn sổ hồng mà bà Dung giao cho ông Ẩn là không có gốc thì xác định được ngay đối tượng. Một điểm rất "đáng ngờ" nữa là bà Dung đưa sổ hồng cho người mua đất là ông Ẩn rồi dặn không được sử dụng. Tất nhiên phải bất thường vì giấy tờ gốc nhằm có thể hình thành nên bộ hồ sơ xin cấp chủ quyền (sổ hồng) là phải có tờ phân chia tài sản (mà cấp phúc thẩm xác định có 2 bản đã làm giả). Vậy văn bản gốc để hình thành nên bộ hồ sơ xin cấp chủ quyền đã làm giả thì bà thừa hiểu làm sao Sở TNMT có thể cấp giấy chủ quyền cho bà. Bên cạnh đó, chính bà là người cầm và giao sổ hồng này cho ông Ẩn thì khó có thể chứng minh sự không liên quan đến cuốn sổ giả này. TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm 1 lần và chỉ rõ sự vi phạm tố tụng ở đâu nên đây là nội dung cần nhìn nhận chính xác sẽ tạo được sự ổn định cho giải quyết vụ án về sau. |