Theo luật sư, ngân hàng làm mất tiền của khách hàng thì ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm trả lại cho khách.
Liên quan đến vụ bạn đọc N.T.L (SN1966 ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) gửi 58 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) bất ngờ "bốc hơi" còn 93.640 đồng. Bà L khẳng định, bà chính là 1 trong 8 bị hại gửi tiền tại Ngân hàng MSB mà cơ quan chức năng đang điều tra.
Như Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã đưa tin trước đó, Cơ quan An ninh Điều tra (Công an TP. Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng MSB Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).
Theo thông tin ban đầu, bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền 338 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu hỏi được dư luận quan tâm lúc này là Ngân hàng MSB hay cá nhân cựu giám đốc MSB chi nhánh Thanh Xuân sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt cho người gửi tiền vào ngân hàng?
Ngày 2/4, trao đổi với phóng viên, luật sư Chu Quỳnh Vương - VPLS Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định, trách nhiệm của ngân hàng hay cá nhân cực giám đốc MSB chi nhánh Thanh Xuân đến đâu còn phụ thuộc vào các tình tiết của vụ việc mà cơ quan công an đang điều tra.
Theo luật sư Vương, nếu chứng minh được giám đốc MSB chi nhánh Thanh Xuân tự ý chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng do mình quản lý, có nghĩa là người này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của các cá nhân do ngân hàng quản lý, thì có thể xác định được tội "Tham ô tài sản".
Khi đó, ngân hàng làm mất tiền của khách hàng thì ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm trả lại cho khách.
Tuy nhiên, nếu trong vụ việc này, giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân dùng thủ đoạn gian dối để lừa khách hàng ký vào giấy tờ nào đó để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, thì có thể thoả mãn tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Lúc này, nạn nhân sẽ phải đòi tiền từ chính giám đốc MSB ghi nhánh Thanh Xuân, chứ không phải đòi tiền từ ngân hàng.
Luật sư Vương cho rằng, trước mắt, cần đợi xem cơ quan điều tra xác định rõ hành vi của bà Hoài Anh. Tuy nhiên, vụ việc này cũng phản ánh được phần quy trình nghiệp vụ của ngân hàng cần phải xem xét lại. Phải chăng, quy trình đó có kẽ hở để cán bộ ngân hàng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Từ vụ việc này, luật sư Vương khuyến cáo người gửi tiền ngân hàng cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa với chính tài sản của mình.
Khách hàng nên đọc kỹ và tìm hiểu rõ nội dung tài liệu, hợp đồng khi ký, mở tài khoản,... do cán bộ ngân hàng soạn. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường, thì phải dừng ngay việc gửi tiền và kịp thời trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Luật sư, BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định, đối với tội "Tham ô tài sản", cần thoả mãn hai điều kiện là lợi dụng chức vụ, quyền hạn và chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là dùng hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ".