Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ bản chất vụ án của ông Lương Hữu Phước, nếu có sai phạm trong quá trình xét xử cần khắc phục kịp thời.
Công an tỉnh Bình Phước đang điều tra nguyên nhân bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, Bình Phước) chết tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, nghi nhảy lầu tự tử.
Sáng 29/5, ông Phước cùng luật sư đến tham gia phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tại toà, ông Phước bị tuyên y án 3 năm tù. Đến chiều cùng ngày, mọi người phát hiện thi thể ông Phước tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước.
Vụ việc lập tức gây xôn xao dư luận khi có thông tin cho rằng, trước khi tự tử, ông Phước đăng tải lên Facebook cá nhân với nội dung sẽ tìm đến cái chết do không đồng tình với bản án đã tuyên.
Hiện trường vụ việc
Nói về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sự Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, thông tin bị cáo tự tử ngay tại trụ sở tòa án đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Điều này có thể khiến HĐXX đã tuyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án này sẽ có nhiều day dứt và suy nghĩ.
"Hành động của người đàn ông này là rất đáng thương, tội nghiệp và tỏ ra tuyệt vọng quá sớm. Không ít những vụ án ở Việt Nam về sau vẫn có thể minh oan như vụ án với ông Chấn, ông Nén, ông Thêm... Tuy nhiên có thể người đàn ông này đã không để đủ kiên nhẫn để chờ đến ngày đó. Có lẽ người đàn ông này đã suy nghĩ rất nhiều đến cách để tìm đến công lý.
Dòng trạng thái trên Facebook cho thấy bị cáo tìm đến cái chết không chỉ là một phản ứng tiêu cực đối với bản án kết tội ông mà muốn có một hy vọng tốt hơn trong hoạt động tư pháp của tỉnh này. Nhưng dù gì thì đây cũng là một cách phản ứng tiêu cực, không nên cổ vũ cách phản ứng như thế này dù bất cứ kết cục như thế nào trong một vụ án hình sự", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Luật sư Đặng Văn Cường. (Ảnh: VOV.VN)
Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc chọn cách hủy hoại thân xác mình, tìm đến cái chết để kêu oan là một cách phản ứng tiêu cực, hành động này sẽ gây tâm lý không tốt trong xã hội, gây đau buồn cho những người thân trong gia đình họ và ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nếu vụ việc này không được làm sáng tỏ thì rất có thể các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vào việc này để gây mất đoàn kết, giảm uy tín của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sự việc, làm rõ bản chất của vụ án này, nếu có sai phạm thì cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời, nếu oan thì phải minh oan cho người đàn ông này.
"Một bản án công bằng đòi hỏi phải thấu tình, đạt lý. Thẩm phán không phải cỗ máy mà phải là bộ luật biết nói. Việc giải quyết một vụ án hình sự không chỉ là một hoạt động máy móc trong việc áp dụng pháp luật mà còn là một hoạt động giải thích pháp luật. Bản án công minh phải là bản án thấu tình, đạt lý, sao cho người bị kết án tâm phục, khẩu phục.
Còn trường hợp những vụ án không đủ căn cứ kết tội hoặc đủ căn cứ kết tội nhưng hội đồng xét xử không thuyết phục được bị cáo rằng mình có tội thì đây rõ ràng là yếu kém trong hoạt động tố tụng.
Yếu kém này có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi cho bị can, bị cáo gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội và làm giảm sút uy tín của cơ quan tố tụng".
Theo luật sư Cường, có thể sau cái chết của bị cáo thì cơ quan tố tụng ở Bình Phước cũng như cơ quan tố tụng Trung ương sẽ có những ý kiến chỉ đạo xem xét lại 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu có căn cứ để giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với 2 bản án này thì cơ quan tố tụng cấp cao cần phải xem xét để minh oan cho ông Phước.
Nếu 2 bản án này được xác định là sai phạm, bị hủy bỏ thì chắc chắn rằng cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật, thậm chí sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
"Qua những vụ án như thế này thì cơ quan tố tụng cũng cần phải xem xét lại thái độ, cách thức, phương pháp áp dụng pháp luật hình sự và năng lực, trình độ, kỹ năng của người tiến hành tố tụng sao cho đạt hiệu quả, tránh những vụ việc phát sinh ngoài ý muốn, đau lòng, gây bức xúc dư luận như vụ việc trên", Trưởng văn phòng Luật sự Chính Pháp nhấn mạnh.
Theo nội dung vụ án, khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà.
Đến khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép, do trước đó ông Phước đi nhầm dép của người khác.
Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Ông Phước chở ông Quý đi đến ngã tư Sóc Miên thì phát hiện ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở ông Quý đi về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm.
Khi đi đến gần trước nhà ông Quý thuộc khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân thì ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý xuống đi vào nhà lấy mũ bảo hiểm, nhưng ông Quý không chịu xuống xe.
Lúc này ông Quý không xuống xe, nên ông Phước lái xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì bị xe máy do anh Lâm Tươi điều khiển chở anh Trị Tiếp đi bên phải theo hướng ngã ba Trạm Điện đi vào ngã tư Sóc Miên đâm vào, khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017, ông Quý qua đời.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt ông Phước 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ông Phước kháng cáo. Sau đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở.
Tới phiên xét xử lần 2, ông Phước tiếp tục bị toà án tuyên 3 năm tù giam, với nội dung: Qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn.
Theo người nhà nạn nhân, ông Phước tự tử có thể do uất ức với kết quả phiên toà.
(Theo VTC News)
https://vtc.vn/chuyen-vu-an/bi-cao-nghi-nhay-lau-tu-tu-o-toa-binh-phuoc-can-lam-ro-ban-chat-vu-an-da-tuyen-ar548984.html