Trong tổng số trên 100 người đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khám sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, kết quả xét nghiệm thuỷ ngân máu cho thấy có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông, lo ngại nguy cơ nhiễm thuỷ ngân, nhiều người dân đã tới Trung tâm để khám, xét nghiệm thuỷ ngân.
Đến nay tại Trung tâm đã có trên 100 người đã được làm xét nghiệm thủy ngân máu và 1 số người đã được lấy nước tiểu 24 giờ để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo 1 số xét nghiệm khác: công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và khí máu động mạch, methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO).
Xét nghiệm thủy ngân máu được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đã có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép). Các trường hợp khác đang đợi kết quả.
BS Nguyên cho biết, khi nhiễm độc thuỷ ngân sẽ gây tổn thương hô hấp, tiêu hoá, thận, thần kinh, máu, da.
Nhất là nhiễm độc thuỷ ngân cấp qua đường hô hấp thường gây các triệu chứng viêm phổi, nhưng bệnh nhân sẽ có biểu hiện rất sớm, rõ ràng ngay từ đầu (ho, khó thở).
"Trong đám cháy tại nhà máy Rạng Đông, nguy cơ nhiễm độc cao nhất, rõ nhất chính là lúc đang cháy, vì thuỷ ngân là kim loại bốc hơi. Nếu hít phải thuỷ ngân thường sau vài giờ có triệu chứng ngay luôn. Người bệnh đau bụng, choáng váng, tê chân tay, yếu, sốt, suy thận, tiểu ít dần. Đây là những dấu hiệu ngộ độc cấp tính.
Còn khi hết cháy, cần đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường để cảnh báo nguy cơ", BS Nguyên cho biết.
Xét nghiệm thuỷ ngân trong máu sẽ khẳng định thực sự bệnh nhân có bị nhiễm độc thuỷ ngân hay không. Dù bệnh nhân có triệu chứng nhưng nồng độ thuỷ ngân trong máu không cao có thể khẳng định không nhiễm độc thuỷ ngân.
Nếu được chẩn đoán nhiễm độc thuỷ ngân, không có cách gì loại bỏ bằng các phương pháp thông thường. Tuy nhiên, có thuốc giải độc thuỷ ngân và bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ giải độc.
Theo BS Nguyên, người dân nên đi khám khi có biểu hiện bất thường cay mắt, cay mũi, ho, tức ngực, khó thở, đau đầu... Còn không có dấu hiệu đặc biệt người dân nên bình tĩnh, theo dõi.
Việc kiểm tra hoàn toàn có thể được thực hiện tại các bệnh viện tuyến quận, thành phố, không nhất thiết phải dồn đến một chỗ dễ dẫn đến quá tải.
Bên cạnh tổ chức khám cho người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục duy trì kết nối với các cơ sở y tế để tư vấn chuyên môn, hội chẩn, phối hợp trong việc đánh giá, chẩn đoán và điều trị các trường hợp theo dõi, nghi ngờ ngộ độc phức tạp.
(Theo Hồng Hải/Dân trí)