Vụ con sát hại mẹ tại TP HCM: Giải mã hành vi tàn bạo của kẻ “nghịch tử”

03/04/2023 10:04

Dễ nhận thấy, nguyên nhân các vụ án mạng liên quan đến người thân chủ yếu thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nó được tích tụ qua thời gian và ngày càng tăng lên dẫn tới thiếu kiềm chế bản thân của những người liên quan.

Công an quận 12 (TP HCM) đang củng cố hồ sơ để bàn giao Lê Văn Vàng (34 tuổi, ngụ quận 12) cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để điều tra theo thẩm quyền.

Vàng là nghi phạm sát hại mẹ ruột là bà P.T.M.N. (55 tuổi) tại căn nhà ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12.

Sáng 30/3, người dân sống gần nhà Vàng nghe tiếng la hét. Cùng lúc, chị T.T. (SN 1990, em gái Vàng) bung cửa thoát ra ngoài.

Bên trong là cảnh tượng hãi hùng, Vàng đã sát hại mẹ ruột, khiến cơ thể người mẹ không còn nguyên vẹn. Lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt khống chế Vàng về trụ sở lấy lời khai.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy Vàng âm tính với ma túy.

Tại cơ quan điều tra, Vàng thừa nhận hành vi và ban đầu khai rằng do lêu lổng, không chí thú làm ăn nên thường bị mẹ la rầy và đây là nguyên nhân mình gây ra vụ án.

Vụ con sát hại mẹ tại TP HCM: Giải mã hành vi tàn bạo của kẻ “nghịch tử” - Ảnh 2.

Con hẻm dẫn vào hiện trường được lực lượng chức năng căng dây phong tỏa. Ảnh: Tiền Phong

Theo luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), thời gian gần đây liên tục những vụ án mạng xảy ra mà hung thủ chính là những người thân trong gia đình. Nạn nhân thiệt mạng là vợ, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ của hung thủ, trong đó phần lớn đối tượng gây án là những kẻ có tiền án tiền sự, liên quan đến ma túy hoặc trong những gia đình mà mâu thuẫn kéo dài không có lối thoát...

Đã đến lúc báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận không nhỏ trong xã hội. Mối quan hệ giữa vợ chồng, cha con và những người thân trong gia đình được duy trì trên cơ sở đầu tiên là các quy phạm đạo đức, sau đó là đến các quy phạm pháp luật.

Dưới góc độ đạo đức thì con cái phải biết vâng lời, kính trọng, yêu mến cha mẹ. Vợ chồng có bổn phận yêu thương, quý mến, giúp đỡ lẫn nhau. Khi con cái không biết vâng lời cha mẹ, không biết kính trọng cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ, vợ chồng đánh cãi chửi nhau thì đó là biểu hiện của một gia đình mâu thuẫn, đạo đức xuống cấp và người đời cười chê.

Theo đó, những tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình bắt nguồn từ khiếm khuyết, thấp kém trong văn hóa ứng xử, thêm vào đó là sự ích kỷ cá nhân và thiếu ý thức tôn trọng người khác. Ngoài ra, khó khăn quẫn bách về kinh tế, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thiếu kỹ năng sống, không có văn hóa ứng xử phù hợp, không quản lý được cảm xúc đã dẫn đến mâu thuẫn gia tăng và kết thúc là án mạng đau lòng khiến người chết, kẻ dính vào tù tội.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng mà hung thủ gây án là con đẻ, con rể... trong đó có thể kể ra một vài nguyên nhân như: Đối tượng gây án thường là những đối tượng hung hãn và có tính ích kỷ cao độ, thường coi trọng lợi ích của mình mà so đo, coi nhẹ lợi ích của người khác. Khi quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc cho rằng mình đang chịu thiệt thòi thì đối tượng có thể tìm mọi cách để trả thù, đòi hỏi bằng được quyền lợi của mình, kể cả việc sử dụng bạo lực với những người thân. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các vụ án mạng liên quan đến người thân xảy ra trong thời gian qua", luật sư Anh chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, theo quy định của pháp luật thì hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác là hành vi giết người. Do vậy, hành vi của Vàng là giết người, được quy định tại điểm đ và n (khoản 1, Điều 123, BLHS 2015) với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là " Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình" và "Có tính chất côn đồ".

Nếu bị cáo buộc, Vàng sẽ phải chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt với Nam, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra với nạn nhân, nhân thân của Vàng và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể.

Dễ nhận thấy, nguyên nhân các vụ án mạng liên quan đến người thân chủ yếu thường xuất phát từ những mâu thuẫn, thậm chí bộc phát. Nó được tích tụ qua thời gian và ngày càng tăng lên cùng với sự bức xúc dẫn tới thiếu kiềm chế bản thân. Khi lên đến đỉnh điểm, nếu các bên không biết kìm chế cảm xúc thì lúc đó tình nghĩa ruột thịt cũng không còn ý nghĩa.

"Cuộc sống ngày nay, với sự tác động của mạng xã hội cũng như nền kinh tế thị trường đã khiến có những trường hợp cốt lõi đạo đức, giá trị sống truyền thống đã bị đẩy lùi bởi tiền bạc. Sức ép về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc đã chi phối, làm thay đổi giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm. Do đó, nếu phát sinh mâu thuẫn, họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc", luật sư Tuấn phân tích.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

n) Có tính chất côn đồ;


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ con sát hại mẹ tại TP HCM: Giải mã hành vi tàn bạo của kẻ “nghịch tử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO