Vụ đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát bị bắt: Hành vi mua bán hóa đơn trái phép bị xử lý thế nào?

09/09/2020 18:19

PLBĐ - Đại gia Ngô Văn Phát (SN 1964, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã bị khởi tố và bắt tạm giam đối về hành vi "mua bán trái phép hoá đơn".

Liên quan đến vụ án này, trao đổi với Báo An ninh Thủ đô, luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Công ty luật SB Law) cho biết, hóa đơn là chứng từ ghi nhận thu chi trong doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những tài liệu để chứng minh khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Thời gian qua có không ít tổ chức, cá nhân mua bán hóa đơn nhằm trốn thuế hay ẩn giấu tài sản, tình trạng của doanh nghiệp mình hoặc để tăng chi phí. Từ đó sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp.

Luật sư cho biết thêm, hành vi này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự .

Vụ đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát bị bắt: Hành vi mua bán hóa đơn trái phép bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Đại gia Ngô Văn Phát vừa bị bắt vì tội "Mua bán trái phép hóa đơn"

Cũng nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Mai Quốc Việt (Công ty luật FDVN) cho biết , việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can mới chỉ là dựa trên các kết quả điều tra ban đầu. Để xác định chính xác các hành vi phạm tội, cũng như trách nhiệm hình sự của ông Phát và các đối tượng khác còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của vụ án.

"Nếu việc điều tra xác định, chứng minh được rằng cá nhân ông Phát và các đối tượng đã thực hiện hành vi mua bán hóa đơn như chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác hóa đơn theo quy định. Mua bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo. Mua bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn đưa vào cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào; hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; mua, bán hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên hóa đơn, mà thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thì đã thỏa mãn các dấu hiệu của "Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015", Báo Đời sống pháp luật dẫn lời luật sư Việt.

Như đã đưa tin, ngày 8/9 Công an TP Hải Phòng thông tin về vụ án "Mua bán trái phép hóa đơn" do Ngô Văn Phát cầm đầu.

Ông Phát bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vào đầu tháng 9. Đến ngày 8/9, cơ quan chức năng tổ chức khám xét nơi đăng ký thường trú tại số 60 Trần Quang Khải (quận Hồng Bàng) và nơi ở tại tòa số 9 Lê Hồng Phong (quận Hải An, TP Hải Phòng).

Thời điểm bị bắt, ông Phát là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xăng dầu Phát, trụ sở ở xã Nam Sơn (An Dương, Hải Phòng).

Theo Công an TP Hải Phòng, trước đó Công an huyện Thủy Nguyên đã phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhiều công ty đăng ký kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Quá trình điều tra, xác minh, Công an huyện Thủy Nguyên đã triệt phá ổ nhóm đối tượng lập nhiều công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn do Ngô Văn Phát cầm đầu.

Những ngày đầu tháng 9, ngoài ông Phát, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thủy Nguyên đã khởi tố 6 bị can khác liên quan tới vụ án này, gồm: 

- Nguyễn Thị Loan, SN 1989, ở số 4-2/Venice Vinhome Imperia, Hồng Bàng, Hải Phòng; 

- Vũ Văn Bảy, SN 1950, quê xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình; nơi thường trú tại tổ 4, khu 2 phường Đại Yên, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Vũ Văn Bảy là Giám đốc Công ty Cổ phần xăng dầu Phát;

- Trần Thị Hằng, SN 1992, trú tại xã Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình; ở ngõ 829 Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng;

- Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1978, trú tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; ở thôn 11 xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng;

- Mai Thị Nhài, SNH 1994, trú tại xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình; ở khu 2, Thị trấn An Dương, huyện An Dương, Hải Phòng;

- Lương Văn Giao, SN 1991, trú tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên; ở: xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hiện, cơ quan CSĐT Công an huyện Thủy Nguyên đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hải Phòng điều tra làm rõ và mở rộng vụ án này.

Vụ đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát bị bắt: Hành vi mua bán hóa đơn trái phép bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Bị can Ngô Văn Phát (ảnh nhỏ) và tòa lâu đài ở TP Hải Phòng.

Được biết, ông Ngô Văn Phát là đại gia xăng dầu nổi tiếng ở Hải Phòng, chủ của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Những năm gần đây, ông Phát được biết đến trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Quảng Ninh, Thái Bình. Ngoài ra, bị can này cũng được biết đến là người sở hữu nhiều tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ trị giá hàng trăm tỷ đồng tại TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình.

Tại Hải Phòng, tòa lâu đài trên phố Lê Hồng Phong (quận Hải An) của ông Phát nằm trên khuôn viên hai mặt tiền, rộng hàng ngàn mét vuông. Tòa nhà này được xây dựng trong nhiều năm và rất cầu kỳ.

Tại quê nhà ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), ông Phát cũng sở hữu một căn biệt thự hoành tráng, trên nóc nhà có thể đỗ được trực thăng. Ông Phát cũng được biết đến là chủ doanh nghiệp thực hiện lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Thủ và Cồn Vành tại huyện Tiền Hải.

Ông còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành, trụ sở tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình. Công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực xây dựng, chủ yếu là công trình xây dựng đường bộ, đường thủy, đường sắt, xây dựng nhà ở, các công trình về cấp thoát nước...

Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, như sau:

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát bị bắt: Hành vi mua bán hóa đơn trái phép bị xử lý thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO