Vụ gian lận thi cử: Phụ huynh tham gia "chạy điểm” cho con có phạm tội Đưa hối lộ?

Thanh Hải 19/04/2019 18:24

PLBĐ – Những phụ huynh của các thí sinh trong vụ gian lận điểm thi dần lộ diện. Trong bảng danh sách mới được công bố, hầu hết những phụ huynh này đều là lãnh đạo, chủ doanh nghiệp tại địa phương. Điều mà nhiều người thắc mắc lúc này là phụ huynh có bị xử lý về hành vi đưa hối lộ nếu họ trực tiếp tham gia “chạy” điểm cho con em mình?

Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, đến nay, các địa phương đã bắt đầu công bố kết quả chấm thẩm định bài thi của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 của các thí sinh được nâng điểm thi.

Đáng chú ý, trong số hàng chục thí sinh được nâng điểm, có nhiều trường hợp là con cháu lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp ở địa phương.

Các thí sinh này đã bị hạ nhiều điểm sau khi chấm thẩm định. Các em lần lượt bị buộc thôi học hoặc có em tự nguyện xin rút hồ sơ.

Sau khi sự việc được phanh phui, nhiều người có chức vụ, quyền hạn, can thiệp một cách trắng trợn vào kết quả kỳ thi đã bị bắt giam và chờ ngày hầu toà.

nang-diem-thi-tai-so
Một số cán bộ ngành giáo dục Sơn La đã bị khởi tố hình sự do có hành vi "chạy điểm". (Ảnh: An ninh thủ đô)

Tuy nhiên, dư luận vẫn muốn làm rõ: Vì sao chỉ những thí sinh con các cán bộ có chức quyền tại địa phương hoặc con các gia đình được cho là giàu có mới được nâng điểm? Phải chăng có một sự móc nối, chạy chọt? Nếu vậy thì cần phải khởi tố thêm các đối tượng liên quan về tội Nhận hối lộ và Đưa hối lộ?

Nếu động cơ, mục đích là nâng điểm vì thành tích của ngành Giáo dục - Đào tạo địa phương thì việc nâng điểm này phải là ngẫu nhiên với bất kỳ thí sinh nào và mức điểm nâng cũng không thể nâng với mức “không tưởng” từ điểm liệt lên đến điểm của thủ khoa.

Được biết, theo kết quả điều tra của cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) về gian lận thi cử tại Hòa Bình, bị can Đỗ Mạnh Tuấn cho biết đã nhận 550 triệu đồng để sửa điểm thi.

Như vậy, chiểu theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi của đối tượng này và các đồng phạm khác đã đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ.

Việc đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn đã nhận tiền để sửa điểm là hành vi Nhận hối lộ. Do đó cần phải truy tố cả những người đưa hối lộ.

0-27e32-6383a
Ảnh minh họa. (Internet)

Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty luật Dragon, Đoàn luật sư Hà Nội) đã chia sẻ với VOV, cơ quan chức năng cần phải chứng minh giữa người đưa - nhận hối lộ phải có sự thỏa thuận và người tiếp nhận ý chí của các bên. Nếu không chứng minh được điều này, không đủ chứng cứ thì sẽ phải loại trừ việc đưa - nhận hối lộ.

“Dư luận hoàn toàn nghi ngờ việc không phải ngẫu nhiên những người có chức vụ, quyền hạn nâng điểm cho một nhóm thí sinh như vậy. Ở đây, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của việc nâng điểm, có mối quan hệ như thế nào, qua ai?

Nếu chứng minh được những người có tác động vật chất để sửa điểm thì có căn cứ để khởi tố những người này về hành vi Đưa hối lộ, đồng thời những người nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác cũng có cơ sở để khởi tố về hành vi Nhận hối lộ. Còn khi cơ quan điều tra không chứng minh được là có sự tác động của các phụ huynh mà những cán bộ này tự sửa điểm thì không thể xử lý phụ huynh được” - luật sư Nguyễn Minh Long phân tích.

danh_sach
Danh sách phụ huynh của 21 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ở một cái nhìn khác, phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết trên An ninh thủ đô, trong vụ án gian lận thi cử tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La có đối tượng khai báo đã nhận hàng trăm triệu đồng để sửa điểm. Điều này cho thấy có dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh phụ huynh của học sinh gian lận điểm thi lợi dụng sự quen biết của mình, đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để họ nâng, sửa điểm cho con mình thì những đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015.

Theo đó, đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới). Việc đưa của hối lộ có thể là do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này là khi một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia. Hình phạt đối với tội phạm này thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm, cao nhất là 20 năm tù.

Điều 364 còn quy định, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, nếu phụ huynh, người thân của các thí sinh được sửa nâng điểm thi là người có chức vụ hoặc có quan hệ với người đã nâng điểm mà tác động tới người này thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác nhằm trục lợi.

Theo đó, Điều 366 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 - dưới 100 triêu đồng; Lợi ích phi vật chất) để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.

“Trong trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được là có sự tác động của các phụ huynh vào các đối tượng nâng điểm cho các thí sinh mà do các đối tượng này tự thực hiện thì không có đủ căn cứ để xử lý họ” - Luật sư Hoàng Huy Được nhấn mạnh.

T.H(th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ gian lận thi cử: Phụ huynh tham gia "chạy điểm” cho con có phạm tội Đưa hối lộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO